1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Cấu” rừng kiếm đô-la: Không quyết nhanh sẽ mất cơ hội?

(Dân trí) - “Về <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2007/6/182667.vip">Dự án Tam Đảo 2</a>, nếu dư luận và nhà quản lý không nhất trí thì chúng tôi sẽ dừng lại thôi! Hiện các nhà đầu tư Mỹ đang giục, nếu mình không quyết nhanh thì mất cơ hội… Quan điểm chúng tôi là, tiềm năng có mà cứ để đấy thì không giải quyết được cái gì”.

Sau khi nhận được phản ánh từ báo chí về những động thái của tỉnh Vĩnh Phúc trước một dự án du lịch lớn, có tác động mạnh mẽ đối với môi trường, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã có công văn đề nghị Bộ NN&PTNT “kiểm tra ngăn chặn tác động làm thay đổi điều kiện tự nhiên của khu bảo vệ nghiêm ngặt Vườn Quốc gia (VQG) Tam Đảo”.

 

Ngay sau đó, phóng viên Dân trí đã có buổi làm việc với ông Trần Ngọc Ái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc xung quanh vấn đề này.

 

Ông Ái cho biết: Cán bộ lãnh đạo tỉnh vẫn giữ quan điểm cho rằng, phát triển khu  du lịch sinh thái Tam Đảo 2 sẽ đem lại nguồn lợi mang tính quốc gia, đây là một ý tưởng đúng đắn của tỉnh.

 

Ông có thể cho biết động thái của Vĩnh Phúc sau khi nhận được Công văn của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng về việc “kiểm tra ngăn chặn tác động làm thay đổi điều kiện tự nhiên của khu bảo vệ nghiêm ngặt VQG Tam Đảo”?

 

Sau khi nhận được Công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, chúng tôi đã giao cho Ban quản lý Dự án và các ngành liên quan lập dự thảo báo cáo trình Chính phủ. Hiện tại chúng tôi vẫn theo đuổi dự án và chờ ý kiến của các Bộ cũng như quyết định của Thủ tướng. Nếu được chấp thuận thì tốt còn không thì chúng tôi cũng... vui!

 

Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc thế nào trước sự phản đối của dư luận và các nhà khoa học về Dự án du lịch sinh thái Tam Đảo 2?

 

>> Vĩnh Phúc: Quyết “cấu” rừng kiếm đô-la

 

>> Gần 200ha chỉ là một phần trong kế hoạch “cấu” rừng?

Trước năm 2000, đã có một đoàn khảo sát của Bộ Xây dựng tìm đến khu vực Tam Đảo 2 nhưng chúng tôi chưa quan tâm lắm. Chỉ đến khi nhà đầu tư Mỹ là Công ty Viet Nam Partners LLC đặt vấn đề với Vĩnh Phúc để triển khai ý tưởng xây dựng khu du lịch sinh thái thì chúng tôi mới nghĩ đến việc khai thác khu vực này.

 

Về Dự án Tam Đảo 2, nếu dư luận và nhà quản lý không nhất trí thì chúng tôi sẽ dừng lại thôi! Hiện các nhà đầu tư Mỹ đang giục, nếu mình không quyết nhanh thì mất cơ hội. Tổng đầu tư của Tam Đảo 2 là 380 triệu USD, trong đó họ đầu tư riêng con đường hơn 30km từ Nội Bài vào tới Tam Đảo là 80 triệu USD theo hình thức BOT.

 

Quan điểm chúng tôi là tiềm năng có mà cứ để tiềm năng ở đấy thì không giải quyết được cái gì. Ta lấy tiềm năng đó khai thác sau đó lại bảo vệ tiếp. Cái quan trọng là công tác quản lý. Quan điểm của chúng tôi là cái gì có hiệu quả thì làm.

 

Vì sao Vĩnh Phúc không mời nhà đầu tư tập trung kinh phí phục hồi Tam Đảo 1 (khu nghỉ mát khách vẫn đến nghỉ hiện nay). Thực trạng ở Tam Đảo 1 hiện nay rất đáng ngại, không có loại hình dịch vụ gì để khách du lịch có thể tiêu tiền. Trong khi đó khí hậu ở hai khu vực Tam Đảo 1, 2 là hoàn toàn tương đồng?

 

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, Tam Đảo 1 không thể cải tạo được nữa. Chúng tôi cũng rất xấu hổ vì sự nhếch nhác, thiếu đồng bộ của Tam Đảo 1 và sẽ rút kinh nghiệm khi phát triển Tam Đảo 2.

 

Chính xác là đã có Bộ, ngành nào nhất trí với Dự án Tam Đảo 2, thưa ông?

 

Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT đã có văn bản “đồng ý về mặt chủ trương”. Chúng tôi cũng đã làm việc với các Bộ, ngành khác. Đến nay, Tổng cục Du lịch mới chỉ đồng tình bằng lời nói còn văn bản chính thức thì chưa có. Hiện đã có 2 Bộ có văn bản đồng ý về chủ trương để xây dựng Dự án. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Dự án về cơ cấu.

 

Ông có thể nói rõ về vấn đề phê duyệt Dự án?

 

Phê duyệt là phê duyệt về nội dung thôi. Sau đó, chúng tôi sẽ làm văn bản để báo cáo với cấp trên, đó là Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT…

 

Theo quy định thì Bộ NN&PTNT và Ban quản lý VQG Tam Đảo mới là chủ quản lý của VQG Tam Đảo, mọi vấn đề có thể liên quan đến khu vực này đều phải báo cáo trước khi tiến hành. Thế nhưng, đối với dự án Tam Đảo 2, UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại cùng nhà đầu tư vào khảo sát, lập dự án xong mới báo cáo lên Bộ NN&PTNT. Có thể nói, đây là một quy trình ngược?

 

VQG Tam Đảo là tài sản Quốc gia nhưng lại nằm trên địa bàn hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc nên chúng tôi cũng có trách nhiệm quản lý. Bộ NN&PTNT và tỉnh Vĩnh Phúc có sự lãnh đạo song trùng đối với VQG Tam Đảo (!).

 

Chúng tôi mới thực hiện trong phạm vi nghiên cứu, khảo sát đánh giá tác động môi trường cho Dự án Tam Đảo 2 chứ chưa có gì cụ thể cả.

 

Quan điểm của Ban lãnh đạo VQG Tam Đảo thế nào tôi chưa rõ. Hiện Giám đốc VQG cũng trong Ban chỉ đạo nhưng chưa thấy phát biểu câu nào đề xuất hay nêu ra những khó khăn với tỉnh. Họ nói về tính đặc hữu thì cứ nói chứ theo tôi thú lớn ở Tam Đảo không có nhiều.

 

Phản ứng của nhà đầu tư hiện nay ra sao, thưa ông?

 

Hiện nhà đầu tư Mỹ vẫn đang thúc giục chúng tôi rất mạnh. Họ cho rằng tốc độ triển khai của dự án chậm, thủ tục hành chính của cũng chậm. Họ thấy mình chậm, giục là đương nhiên. Thế nhưng nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào việc Chính phủ có chấp nhận dự án hay không.

 

Trước đây, phạm vi dự định nghiên cứu của dự án trên 1.000 hecta, nhưng nay rút xuống còn dưới 200 ha. Cấp trên bảo phải “trình” chỗ nào chúng tôi sẽ “trình” chỗ đó. Nếu không được chấp thuận thì chúng tôi cũng chẳng dại gì lao đầu vào!

 

Riêng khoản kinh phí để khảo sát, xây dựng ý tưởng, lập dự án  đã tiêu tốn mất 70.0000 USD. Nếu Dự án Tam Đảo 2 không thực hiện được, ai sẽ chịu trách nhiệm?

 

Nếu dự án được triển khai thì toàn bộ khoản kinh phí này sẽ do nhà đầu tư chịu. Nêu không thực hiện được thì mỗi bên chịu một nửa. Vĩnh Phúc sẽ phải trả 35.000 USD cho việc khảo sát.

 

Cảm ơn ông!

 

Hiệp hội VQG và Khu Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam:
Phản đối dự án Tam Đảo 2 của Vĩnh Phúc

 

Ngay sau khi biết được những thông tin về dự án Tam Đảo 2 của Vĩnh Phúc, Hiệp hội Vườn Quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (Hiệp hội VQG&KBTTN Việt Nam), đã chính thức gửi văn bản kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ TN&MT, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ, kịch liệt phản đối đề án triển khai dự án du lịch sinh thái tại vùng lõi VQG Tam Đảo của tỉnh Vĩnh Phúc.

 

Theo Hiệp hội VQG&KBTTN Việt Nam, dãy núi Tam Đảo có thể ví như nóc nhà của vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ, chi phối các chỉ tiêu khí hậu của miền Bắc Việt Nam như lượng mưa, dòng chảy, nhiệt độ, hướng gió, chế độ thuỷ văn... Với lợi thế về vị trí địa lý như vậy, VQG Tam Đảo cũng có thể ví như lá phổi xanh của Hà Nội và toàn bộ miền Bắc.

 

Đối với vấn đề Vĩnh Phúc xin các Bộ và Chính phủ cho chuyển đổi gần 200 hecta rừng trong vùng Bảo vệ nghiêm ngặt trên đỉnh Tam Đảo II thành khu “Du lịch sinh thái”, Hiệp hội VQG&KBTTN Việt Nam cho rằng: Đây là một phương án không có lợi cho bảo tồn, không chỉ đối với riêng VQG Tam Đảo mà còn ảnh hưởng tới môi trường của miền Bắc Việt Nam.

 

Theo cách phương án đề xuất là xây dựng khu “Du lịch sinh thái” nhưng thực chất đó không phải là du lịch sinh thái. Vì “Du lịch sinh thái là một loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hoá bản địa, có tính giáo dục môi trường, đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương”.

 

Nhưng theo dự án, khu Bảo vệ nghiêm ngặt của đỉnh Tam Đảo II sẽ được xây dựng các hạng mục của một đô thị nhỏ như sân gôn, sòng bạc, nhà cao tầng, đường xe điện trên không, chuồng ngựa,thuỷ cung... Tất cả những hạng mục đó được xây dựng sẽ phá huỷ hoàn toàn hệ sinh thái của khu vực này. Bên cạnh đó, việc hàng chục km đường lên khu “Du lịch sinh thái” sẽ chia cắt hệ thống rừng nghiêm trọng.

 

Thanh Trầm
(Thực hiện)

Dòng sự kiện: Dự án Tam Đảo 2