1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Vĩnh Phúc: Đề nghị có cơ chế xã hội hóa việc mua kit test Covid-19

Thế Kha

(Dân trí) - Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc đề nghị UBND tỉnh có cơ chế xã hội hóa việc mua kit test Covid-19; có giải pháp huy động lực lượng tham gia điều trị, quản lý, theo dõi F0 điều trị tại nhà.

Đề nghị có chế độ cho lực lượng y tế hỗ trợ F0 tại nhà

Theo thông tin từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Lê Hồng Trung - Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết tính đến ngày 19/2, tỉnh này có 4.410 trường hợp F0 đang điều trị tại các cơ sở điều trị tập trung; 18.410 trường hợp F0 đang điều trị tại nhà. Trong đó có khoảng 96% bệnh nhân ở thể nhẹ và chỉ có 0,5% bệnh nhân có chuyển biến nặng.

Lãnh đạo Sở Y tế Vĩnh Phúc cho rằng năng lực tại các cơ sở điều trị tập trung khá tốt và còn dư khoảng 1.111 giường. Số bệnh nhân đang điều trị tại nhà tăng cao, với trên 80% và đây là một bước chuyển mới mang lại hiệu quả tích cực. 

Ngành y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã kích hoạt hoạt động của tất cả các cơ sở điều trị, tính toán đến việc dành 50% giường bệnh tại các bệnh viện để điều trị cho bệnh nhân F0 và 50% giường điều trị cho các bệnh nhân không nhiễm Covid-19.

Ông Trung đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc có cơ chế xã hội hóa việc mua kit test Covid-19; có giải pháp huy động lực lượng tham gia điều trị, quản lý, theo dõi F0 điều trị tại nhà và có chế độ đối với đội ngũ y tế, tổ Covid-19 theo dõi, điều trị F0 tại nhà.

Vĩnh Phúc: Đề nghị có cơ chế xã hội hóa việc mua kit test Covid-19 - 1

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành tại buổi làm việc với Sở Y tế Vĩnh Phúc (Ảnh: Thanh Nga).

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành chia sẻ với những khó khăn mà ngành y tế đang phải đối mặt và yêu cầu nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chặn đứng tốc độ lây lan dịch bệnh, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm tính mạng cho người dân.

Ông Thành chỉ đạo đánh giá kỹ hiệu quả của việc điều trị F0 tại nhà và tính toán lại năng lực, quy mô giường bệnh của các cơ sở điều trị tập trung. Sở Y tế chủ động phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Phúc cơ chế hỗ trợ cho lực lượng tham gia quản lý, theo dõi, điều trị F0 tại nhà.

Nghiên cứu, đề xuất việc tăng quy mô, năng lực điều trị tại tất cả các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã; đồng thời xem xét cơ số thuốc, vật tư y tế để phục vụ công tác này.

Tiểu học, THCS chuyển trạng thái sang học trực tuyến từ 21/2

Số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc cho thấy, sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, tình hình dịch bệnh trong trường học có những diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong ngày đối với giáo viên và học sinh tăng nhiều so với trước tết, trung bình khoảng từ 400-600 ca mỗi ngày.

Trong đó, tính đến hết ngày 19/2, toàn tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận hơn 8.500 học sinh và 422 giáo viên nhiễm Covid-19; hơn 30.000 học sinh và gần 1.200 giáo viên thuộc  trường hợp F1.

Trước tình hình lây lan dịch bệnh trong cộng đồng diễn biến phức tạp, số lượng F0 có xu hướng tăng nhanh, cùng với đó là dự báo về không khí lạnh tăng cường trong những ngày tới gây rét đậm, rét hại và mưa ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của học sinh khi đến trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc đã đề xuất UBND tỉnh xem xét một số biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh.

Từ cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố chủ động phối hợp với các ngành y tế, Giáo dục và Đào tạo đánh giá mức độ lây lan dịch bệnh trong trường học để quyết định hình thức tổ chức dạy học bảo đảm an toàn cho học sinh và phù hợp nguyện vọng của phụ huynh.

Trong đó, các trường mầm non tiếp tục mở cửa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh học sinh, tạo điều kiện để phụ huynh tham gia lao động, sản xuất. Các trường Tiểu học, THCS chuyển trạng thái sang học trực tuyến từ ngày 21/2 (Thứ 2) cho đến khi có thông báo mới.

Các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên duy trì dạy học trực tiếp; thực hiện dạy, học trực tuyến với học sinh thuộc diện F0, F1, kể cả các học sinh có yếu tố bệnh nền nếu phụ huynh có yêu cầu và cam kết bảo đảm các điều kiện học trực tuyến hiệu quả.

Quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra theo hướng mở, linh hoạt và được cho là phương án tối ưu, vừa bảo đảm an toàn cho các đối tượng học sinh vừa bảo đảm chất lượng dạy và học, đáp ứng nhu cầu của các phụ huynh, gia đình học sinh.

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh tại địa phương, hạn chế tối đa nguồn lây từ cộng đồng vào trường học và có giải pháp tích cực giảm các ca F0 trên địa bàn.

Trên cơ sở đề xuất của các nhà trường, kịp thời hỗ trợ cơ sở vật chất phòng, chống dịch bệnh và thiết bị dạy học trực tuyến đảm bảo cho các trường học; hướng dẫn các trường thực hiện xã hội hóa cơ sở vật chất phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm minh bạch, đúng quy định. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm