1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vĩnh biệt "người chăn trâu vĩ đại"

(Dân trí) - “Hay tin anh Giáo trút hơi thở cuối cùng, tôi như chết lặng và cảm thấy như mất người thân. Tôi từng phụ trách ngành nông nghiệp của tỉnh, chưa thấy ai tận tụy, cần mẫn và yêu thương đàn trâu Mura như anh”, ông Trương Ngọc Nhi, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi tâm sự.

Hai lần được phong tặng Anh hùng Lao động

Dưới cơn mưa dai dẳng, dòng người vẫn kéo đến đến nhà anh hùng Hồ Giáo (SN 1930, quê xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) thắp nén hương tiễn biệt ông.

Trong câu chuyện bên vàng hương nghi ngút, câu chuyện về ông Hồ Giáo được những người từng gặp, từng làm việc cùng ông kể lại đầy cảm xúc.

Chân dung anh hùng Hồ Giáo (Ảnh tư liệu)
Chân dung anh hùng Hồ Giáo (Ảnh tư liệu)

Sinh ra ở vùng quê nghèo bên dòng sông Trà Khúc, ông Hồ Giáo lớn lên với những bữa đói nối dài. Năm 13 tuổi, cậu bé Hồ Giáo rời quê hương đi làm thuê cho nhà giàu mong kiếm chén cơm qua ngày. Giữa cuộc kháng chiến chống Pháp, 17 tuổi Hồ Giáo xung phong ra trận.

Ngày ấy, Hồ Giáo được bố trí tại Tỉnh đội Quảng Ngãi, sau đó chuyển vào lực lượng bộ đội chủ lực thuộc Trung đoàn 148 (Quân khu 5) rồi điều về Trung đoàn 210 (QK5) hoạt động ở vùng Tây Nguyên.

Vào năm 1945, ông tập kết ra Bắc và hoạt động tại Trung đoàn 94 thuộc Sư đoàn 350, làm nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Đến năm 1960, Hồ Giáo chuyển về Nông trường bò sữa Ba Vì (tỉnh Hà Tây cũ, này là Hà Nội) công tác.

Tại nông trường bò sữa, ông thân thiết và cảm hóa đàn bò rất tài, dù là những con khó tính nhất. Nhờ sự chăm sóc tận tình của ông, đàn bò ở nông trường sinh trưởng tốt và Hồ Giáo được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vào năm 1966.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng (phải) và anh hùng Hồ Giáo (Ảnh tư liệu)
Thủ tướng Phạm Văn Đồng (phải) và anh hùng Hồ Giáo (Ảnh tư liệu)

Sau 10 năm (1976), ông Giáo chuyển công tác về Trung tâm Nghiên cứu trâu và đồng cỏ miền Đông Nam Bộ (huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé – nay là tỉnh Bình Dương và Bình Phước).

Vào năm 1977, Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao nhiệm vụ cho ông Hồ Giáo nuôi dưỡng 502 con trâu Mura do Ấn Độ tặng. Qua nhiều năm được ông Giáo chăm sóc tại Nông trường Sông Bé, đàn trâu Mura nhân giống và phát triển thành hàng ngàn con trâu khỏe mạnh. Một lần nữa, ông Hồ Giáo được phong tặng Anh hùng Lao động vào năm 1986.

Đến năm 1990, anh hùng Hồ Giáo nghỉ hưu và về quê hương sinh sống. Thế nhưng, người anh hùng “chân đất” ấy vẫn miệt mài chăm đàn trâu Mura vì lời hứa với Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Ông Hồ Giáo (SN 1930, bí danh Hồ Vinh, 60 năm tuổi Đảng), nguyên Đại biểu Quốc hội khóa IV,V và VI. Từ trần lúc 15h30 ngày 14/10, hưởng thọ 86 tuổi. Lễ truy điệu lúc 7h ngày 18/10/2015 và lễ động quan lúc 8h ngày 18/10/2015 (nhằm ngày 6/9/2015 âm lịch). Linh cửu được di quan tại thôn Gò Nghĩa (xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi).

Miệt mài chăn trâu đến hơi thở cuối cùng

Vừa nhận sổ hưu, anh hùng Hồ Giáo được Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi gắm chăm sóc 15 con trâu Mura ngay tại miền quê Quảng Ngãi. Mặc dù đã nghỉ hưu, tình yêu của ông với đàn trâu vẫn còn nguyên vẹn nên anh hùng Hồ Giáo nhận lời ngay.

Hàng chục năm qua, ông Hồ Giáo cần mẫn chăm sóc đàn trâu Mura tại Trại trâu xã Hành Thuận (huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi). Số lượng đàn trâu ngày càng tăng, khỏe mạnh, mỗi con trâu đều được ông yêu thương chăm sóc như chính đứa con của mình.

Vào giữa năm 2010, người viết từng có dịp đến Trại trâu Mura tìm gặp anh hùng Hồ Giáo, khi đó ông đã 80 tuổi, tính tình và tình trạng sức khỏe của từng con trâu, ông kể vanh vách. Ông kêu tên con trâu Lý Sơn (mỗi con trâu đều được ông đặt tên riêng và gọi đầy âu yếm), chú trâu nhảy lên, chạy đến bên ông dùng lưỡi liếm khuôn mặt ông một cách âu yếm.

Tôi hỏi: “Ông đã cao tuổi sức yếu, ông đến trại trâu này mấy lần trong tháng? Ông có bí quyết gì khi chăm sóc đàn trâu mang tiếng là hung dữ này ạ?”. Ông cười thân thiện và chia sẻ: “Ngày nào ông cũng đến với chúng. Hễ không thấy ông, chúng quậy phá như giận hờn vậy. Mỗi buổi sáng, ông đi bộ từ nhà đến đây (khoảng 7km), coi như tập thể dục luôn và tối về lại nhà. Bí quyết duy nhất để thuần hóa chúng, đó là hãy thương yêu, chăm sóc nó như con cái thì chúng sẽ thương mến mình lại thôi”.

Trò chuyện mới biết ông không đi được xe máy và xe đạp. Hơn 20 năm kể từ ngày nghỉ hưu, ngày nào ông cũng miệt mài đi bộ gần 15km để đến với đàn trâu Mura.


Anh hùng Hồ Giáo chăm sóc đàn trâu Mura đến hơi thở cuối cùng.

Anh hùng Hồ Giáo chăm sóc đàn trâu Mura đến hơi thở cuối cùng.

Chị Hồ Thị Tuyết Minh (SN 1982) – con gái anh hùng Hồ Giáo - bày tỏ: “Mấy năm gần đây, sức khỏe ba dần yếu đi và không thể đi bộ đến thăm đàn trâu như trước. Ngày nào cũng thấy ba nhắc về đàn trâu, rồi tự hỏi “Không biết cái chân con Núi Ngang đi lại nhanh nhẹn được chưa?”. Nhắc đến là ba ứa nước mắt. Khi ba vừa khỏe một chút là lại đòi mọi người chở đến thăm đàn trâu Mura đã quấn quýt ba hơn 20 năm qua”.


Người dân Hành Thuận tới tiễn biệt người chăn trâu vĩ đại.

Người dân Hành Thuận tới tiễn biệt người chăn trâu vĩ đại.

Với tinh thần cần mẫn làm việc, anh hùng Hồ Giáo quên cả hạnh phúc riêng. Ông lập gia đình khi đã 55 tuổi. Người chăn trâu vĩ đại ấy yên lòng ra đi vì đã hoàn thành lời hứa với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tận tâm chăm sóc đàn trâu đến hơi thở cuối cùng.

Hồng Long