1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Vinashinlines không có tiền đưa thuyền viên về nước”

(Dân trí) - “Các thuyền viên vẫn được chu cấp tiền ăn và sinh hoạt từ khoản vay nóng 200 tỷ đồng của Chính phủ, nhưng tiền lương và các vấn đề khác thì phải chờ đến khi bán được tàu mới có thể giải quyết. Lúc này Vinashinlines không có tiền để đưa thuyền viên về nước”.

Ông Nguyễn Văn Công - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - cho PV Dân trí biết trong cuộc trao đổi về việc gia đình các thuyền viên tàu Hoa Sen, Sea Eagle đang mắc kẹt ở Trung Quốc, kéo đến trụ sở Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) đòi đưa con em họ về nước.

Nhìn nhận những khó khăn mà các thuyền viên Vinashinlines đang phải trải qua ở xứ người, nhưng Thứ trưởng Công cũng hy vọng các thuyền viên cố gắng chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn hiện nay của Công ty Vinashinlines.

Theo Thứ trưởng Công, đây là khó khăn chung của các doanh nghiệp vận tải biển hiện nay chứ không chỉ riêng Vinashinlines. Phía Bộ GTVT vẫn thường xuyên chỉ đạo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và Vinashinlines tìm hướng giải quyết, xử lý những vấn đề liên quan.
 
Tàu Hoa Sen đang lưu giữ tại Trung Quốc

Tàu Hoa Sen đang lưu giữ tại Trung Quốc

“Chính phủ đã cho Vinashinlines vay 200 tỷ đồng để tổ chức bán tàu cũng như từng bước giải quyết chế độ tiền ăn, tiền sinh hoạt phí cho thuyền viên. Hiện việc bán tàu đang được xúc tiến triển khai tích cực và hy vọng trong thời gian ngắn sắp tới sẽ bán được tàu. Khi chưa bán được tàu vẫn phải động viên anh em thông cảm với khó khăn chung của Vinashinlines để ở lại giữ tàu, đến khi bán được tàu thì sẽ giải quyết mọi thủ tục liên quan để đưa anh em thuyền viên về nước” - Thứ trưởng Công cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng Công, tình hình ở nước ngoài như vậy, ở trong nước cũng không khá hơn. Lương của cán bộ đang làm tại trụ sở văn phòng Vinashinlines cũng bị nợ đọng từ lâu mà không có tiền thanh toán, Vinashinlines thậm chí còn không có tiền để chi trả cho hoạt động thông tin, gửi văn bản giấy tờ qua đường bưu điện mà thay vào đó là hình thức chuyển fax. Thường thì sau 1 tuần tập hợp nhiều nhiều văn bản, Vinashinlines thì sẽ cử 1 nhân viên đi xe máy mang đến Bộ và các đơn vị liên quan.

Nói về vấn đề cần luân chuyển nhân sự bởi thời gian đi tàu của các thuyền viên đã quá hạn từ lâu, Vinashinlines cần đưa các thuyền viên đang giữ tàu về nước và đưa nhân sự khác sang thay thế, nhưng Thứ trưởng Công cho rằng đó là chuyện quá khó đối với Vinashinlines hiện nay.

“Số tiền chi trả cho việc đưa đón thuyền viên quá lớn trong khi năng lực tài chính lại quá khó khăn, nên trong ngắn hạn Vinashinlines không thể điều chuyển nhân sự khác ra nước ngoài để giữ tàu và đưa các thuyền viên ở nước ngoài về nước. Chỉ có cách duy nhất là động viên anh em thuyền viên chia sẻ khó khăn với công ty và ở lại giữ tàu, bán được tàu nào sẽ giải quyết tiền lương và đưa anh em thuyền viên về nước ngay” - Thứ trưởng Công lý giải.

Thứ trưởng Công khẳng định Bộ GTVT đang cố gắng bằng mọi khả năng có thể và luôn ưu tiên giải quyết những vấn đề liên quan đến thuyền viên trên các tàu của Vinashinlines đang bị lưu giữ ở nước ngoài.

Về phía Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) - công ty mẹ của Vinashinlines, đại diện công ty này cho biết ngoài việc trông chờ đến khả năng bán tàu cũng chưa có phương án nào khả thi hơn để giải quyết những vấn đề tiền lương cũng như động thái đưa các thuyền viên về nước theo yêu cầu của gia đình các thuyền viên.

Được biết, số lượng các thuyền viên đang giữ tàu ở nước ngoài là: Tàu Diamond Way 8 thuyền viên, tàu New Horizon 20 thuyền viên, tàu Cái Lân 4 có 22 thuyền viên, tàu Sea Eagle có 9 thuyền viên và tàu Hoa Sen có 9 thuyền viên. Các tàu Vinashinlines nói trên này đang neo tại các cảng biển ở Pakistan, Trung Quốc, UAE và Ấn Độ. Hồi cuối tháng 3/2013, Vinashinlines đã bán được tàu New Phoenix với giá hơn 3,7 triệu USD.

Quỳnh Anh