Việt - Trung kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình ở Biển Đông

Hoài Thu

(Dân trí) - Hai nước Việt Nam - Trung Quốc sẽ thực hiện nghiêm túc nhận thức chung quan trọng đạt được và "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc".

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong thông cáo báo chí chung Việt Nam - Trung Quốc, được ban hành sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc và tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Thiên Tân của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Trong thời gian chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường; lần lượt có các cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc Vương Hộ Ninh.

Việt - Trung kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình ở Biển Đông - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chụp ảnh chung trước khi bước vào hội đàm (Ảnh: Đoàn Bắc).

Lãnh đạo hai nước sau trao đổi đã đạt nhiều nhận thức chung quan trọng về việc tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung trong tình hình mới.

Theo lãnh đạo hai nước, quan hệ hiện nay giữa Việt Nam - Trung Quốc phát triển tốt đẹp, hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước thu được thành quả thiết thực.

Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện tốt "Tuyên bố chung về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc" trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022, duy trì chặt chẽ giao lưu cấp cao, tăng cường giao lưu qua các kênh.

Việt - Trung kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình ở Biển Đông - 2

Toàn cảnh cuộc hội kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Dương Giang).

Hai bên nhấn mạnh, Việt Nam và Trung Quốc núi sông liền một dải, cùng chung chí hướng, chia sẻ vận mệnh chung. Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu, Trung Quốc cũng coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên của ngoại giao láng giềng của Trung Quốc.

Hai bên cũng nhất trí tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, đẩy nhanh hợp tác cùng xây dựng "Vành đai và Con đường" chất lượng cao; tăng cường kết nối đường bộ, đường sắt khu vực biên giới, xây dựng hệ thống logistics đa phương thức, hiệu quả cao.

Mục tiêu bảo đảm thông suốt cửa khẩu biên giới, đẩy nhanh việc nâng cấp mở cửa và kết nối cơ sở hạ tầng cửa khẩu, thúc đẩy hợp tác cửa khẩu thông minh, đẩy nhanh thực hiện phát triển hài hòa chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng… cũng được lãnh đạo hai nước nhất trí.

Sau chuyến thăm, Việt Nam và Trung Quốc sẽ thực hiện nghiêm túc nhận thức chung quan trọng liên quan đạt được giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước và "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc", kiểm soát thỏa đáng bất đồng trên biển, tăng cường hợp tác trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Việt - Trung kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình ở Biển Đông - 3

Hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký và trao Thỏa thuận hợp tác nghiên cứu quản lý tổng hợp môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc (Ảnh: Đoàn Bắc).

Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy thực hiện toàn diện, hiệu quả "Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC), trên cơ sở hiệp thương nhất trí, sớm đạt được "Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông" (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Cũng trong chuyến thăm này, hai Thủ tướng đã chứng kiến việc ký kết các văn kiện hợp tác trong lĩnh vực giám sát thị trường, cửa khẩu thông minh, lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển…

Theo nhận định chung của hai nước, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính thành công tốt đẹp, làm sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.