DNews

Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế, thắt chặt tình hữu nghị

Hoài Thu

(Dân trí) - Sau chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều nhận thức chung đã được các lãnh đạo cấp cao hai bên nhất trí trên tinh thần tăng cường hợp tác kinh tế, thắt chặt mối quan hệ hữu nghị.

Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế, thắt chặt tình hữu nghị

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc chuyến công du 4 ngày thăm chính thức Trung Quốc và dự hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thiên Tân.

Tháp tùng người đứng đầu Chính phủ lần này không chỉ có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương mà còn có chủ tịch, phó chủ tịch của 9 địa phương, đặc biệt những nơi tiếp giáp và có hoạt động giao thương với Trung Quốc.

Thúc đẩy kinh tế biên mậu, xây dựng cửa khẩu thông minh

Là một trong 9 lãnh đạo địa phương tháp tùng Thủ tướng trong chuyến công tác này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết Lạng Sơn đã ký kết một thỏa thuận khung với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc về thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh.

"Đây là điều kiện quan trọng để thúc đẩy kinh tế biên mậu giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, tăng cường thông quan hàng hóa, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước", Chủ tịch Lạng Sơn chia sẻ.

Ông phân tích chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới và Việt Nam cũng đang triển khai rất tích cực. Riêng với Lạng Sơn, chuyển đổi số ở cửa khẩu là nhiệm vụ trọng tâm và đã được địa phương cụ thể hóa bằng việc xây dựng nền tảng cửa khẩu số.

Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế, thắt chặt tình hữu nghị - 1

Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Trung Quốc chứng kiến lễ ký và trao Thỏa thuận khung về thúc đẩy xây dựng cửa khẩu thông minh giữa tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc (Ảnh: Nhật Bắc).

Ông Thiệu cho biết kế hoạch phối hợp với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc trong xây dựng cửa khẩu thông minh, thực hiện thông quan hàng hóa, sử dụng phương tiện không người lái phục vụ cho dịch vụ logistics từ đó góp phần cải thiện lượng hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu, đồng thời tiết giảm chi phí, thời gian và thủ tục hành chính.

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông, thủy sản của Việt Nam; phối hợp nâng cao hiệu suất thông quan, tránh xảy ra ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu.

Người đồng cấp của ông cũng nhất trí hai bên cần tăng cường kết nối chiến lược, nhất là về hạ tầng cơ sở, giao thông; thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo, nông nghiệp, hợp tác duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.

Theo Thủ tướng Lý Cường, Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, công nghệ cao của nước này mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.

Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế, thắt chặt tình hữu nghị - 2

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chủ trì Lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: Nhật Bắc).

Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế, thắt chặt tình hữu nghị - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường chụp ảnh chung trước khi bước vào hội đàm (Ảnh: Nhật Bắc).

Kết thúc cuộc hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký và công bố các văn kiện hợp tác giữa bộ, ngành, địa phương hai nước trên lĩnh vực: quản lý xuất nhập cảnh, giám sát thị trường, xây dựng cửa khẩu thông minh, nghiên cứu quản lý môi trường biển trong Vịnh Bắc Bộ.

Nội dung hợp tác này tiếp tục được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề cập khi hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Coi trọng các đề xuất hợp tác của Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam duy trì trao đổi chiến lược, mở rộng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, tăng cường kết nối đường sắt, đường bộ và hạ tầng cửa khẩu.

Với sự quan tâm của lãnh đạo hai nước, Chủ tịch Lạng Sơn kỳ vọng tới đây, Việt Nam sẽ phát triển kinh tế cửa khẩu tương xứng với tiềm năng, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc cũng như nhập khẩu hàng hóa thiết yếu từ nước bạn để phục vụ sản xuất và đời sống, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.

Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế, thắt chặt tình hữu nghị - 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Dương Giang).

Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế, thắt chặt tình hữu nghị - 5

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Triệu Lạc Tế (Ảnh: Đoàn Bắc).

Thúc đẩy kinh tế biên mậu, xây dựng cửa khẩu thông minh cũng là nội dung được Thủ tướng Phạm Minh Chính rất quan tâm. Chủ tịch Lạng Sơn cho biết trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã đặt vấn đề đẩy mạnh thông quan hàng hóa thông qua các dịch vụ và sử dụng công nghệ số.

Trước đó, trong dịp Bí thư Quảng Tây thăm Việt Nam, Thủ tướng cũng rất ủng hộ xây dựng cửa khẩu thông minh giữa Quảng Tây và Lạng Sơn.

Với việc ký kết lần này, ông Thiệu gọi đó là sự kiện đánh dấu bước chuyển mới trong thực hiện giải pháp hữu hiệu nhằm thông quan hàng hóa qua biên giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả Việt Nam và Trung Quốc.

Mở ra cơ hội hợp tác mới giữa Việt Nam - Trung Quốc

Chung đánh giá chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính đem lại nhiều kết quả quan trọng, Chủ tịch Bình Dương Võ Văn Minh cho rằng việc này càng ý nghĩa hơn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Trung và tiếp nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc, Chủ tịch Bình Dương cho rằng đây là cơ hội tốt để đón nhận làn sóng đầu tư từ Trung Quốc, thể hiện qua việc nhiều doanh nghiệp lớn nước này ngày càng quan tâm và muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam.

Từ góc độ cụ thể của địa phương, ông Minh cho biết ở tỉnh Bình Dương hiện nay, quỹ đất đầu tư phát triển công nghiệp rất thuận lợi, nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm, trong đó có nhà đầu tư hàng đầu thế giới ở Trung Quốc.

Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế, thắt chặt tình hữu nghị - 6

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc (Ảnh: Đoàn Bắc).

Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế, thắt chặt tình hữu nghị - 7

Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, Trung Quốc chụp ảnh cùng đại diện doanh nghiệp hai nước (Ảnh: Đoàn Bắc).

Định hướng thu hút đầu tư, theo ông Minh, tập trung vào các lĩnh vực có công nghệ cao, không ô nhiễm môi trường, tận dụng được lợi thế và tiềm năng của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

"Bình Dương cũng đang tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng tỷ trọng dịch vụ thương mại, giảm tỷ trọng công nghiệp; thu hút đầu tư công nghệ cao, ít thâm dụng lao động và đất đai", ông Minh nói và cho rằng nhiều nhà đầu tư của Trung Quốc với tiềm năng, lợi thế của mình có thể tham gia các dự án ở địa phương này.

Với chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đều khẳng định mối quan tâm hàng đầu có tính chiến lược trong quan hệ với các nước xung quanh.

Trung Quốc và Việt Nam cũng khẳng định coi nhau là đối tác chiến lược, là láng giềng thân thiết, là đồng chí, anh em của nhau.

Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế, thắt chặt tình hữu nghị - 8

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Trung Quốc (Ảnh: Nhật Bắc).

Đặc biệt, theo ông Dũng, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lý Cường đã khẳng định coi trọng quan hệ với Việt Nam và đánh giá Việt Nam đang có bước phát triển hết sức năng động, có môi trường đầu tư rất tốt, quan hệ thương mại về đầu tư giữa 2 nước còn rất nhiều dư địa và tiềm năng.

Còn về thương mại, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khẳng định sẵn sàng mở cửa cho hàng hóa Việt Nam tham gia thị trường Trung Quốc, nhất là nông sản, hoa quả chất lượng cao và sẵn sàng phối hợp với Việt Nam trong công tác kiểm dịch, thông quan một cách thuận lợi, tạo mọi điều kiện để thúc đẩy cho hàng hóa Việt Nam tham gia thị trường Trung Quốc.

Về đầu tư, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhìn nhận có rất nhiều cơ hội. Ông khuyến khích các nhà đầu tư lớn của Trung Quốc có công nghệ cao đầu tư và mở rộng đầu tư theo chủ trương, chiến lược của Việt Nam.

Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế, thắt chặt tình hữu nghị - 9

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo nghe chia sẻ và đề xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc (Ảnh: Nhật Bắc).

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định thông điệp khuyến khích, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp Trung Quốc vào làm ăn trên tinh thần cùng thắng, cùng có lợi.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Trung với sự tham gia của hơn 400 nhà đầu tư, theo ông Dũng, sẽ mở ra cơ hội tốt cho Việt Nam, nhất là trong lúc khó khăn như hiện nay.

"Đây là nguồn lực quý giá giúp Việt Nam có thể phục hồi và phát triển nhanh chóng, bền vững trong thời gian tới", ông Dũng nhấn mạnh.

Thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong thu hút đầu tư

Bên cạnh chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn đến Thiên Tân để dự và phát biểu tại phiên thảo luận đầu tiên của Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới với sự tham gia của hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chia sẻ 6 "cơn gió ngược" đang cản trở sự tăng trưởng của kinh tế thế giới và Việt Nam, đồng thời đưa ra 6 định hướng quan trọng để đương đầu với các "cơn gió ngược" này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chia sẻ bài học kinh nghiệm của Việt Nam trong chống dịch và phục hồi, tăng trưởng kinh tế và cho biết Việt Nam đang tập trung triển khai ba đột phá chiến lược về hạ tầng - thể chế - nhân lực.

"Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là không hy sinh công bằng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần", Thủ tướng nhấn mạnh.

Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế, thắt chặt tình hữu nghị - 10

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ bài học kinh nghiệm của Việt Nam trong chống dịch và phục hồi, tăng trưởng kinh tế (Ảnh: Đoàn Bắc).

Ông đồng thời cam kết Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp quốc tế, trong nước, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thủ tướng đề nghị các nước, các tổ chức quốc tế, trong đó có WEF và các thành viên của WEF tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực và kinh nghiệm quản trị hiện đại, giúp Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Chia sẻ với các nhận định và định hướng mà Thủ tướng đưa ra, Chủ tịch WEF Borge Brende cho hay cộng đồng quốc tế biết đến Việt Nam là một trong những quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực, đang phát triển hết sức năng động và hội tụ nhiều tiềm năng để đóng góp ngày càng tốt cho tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc được tổ chức tại Bắc Kinh dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung cũng thu hút hơn 400 đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam, Trung Quốc tham gia.

Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế, thắt chặt tình hữu nghị - 11

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận đầu tiên của Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới các nhà tiên phong tại Thiên Tân, Trung Quốc (Ảnh: Đoàn Bắc).

Nhận định hai nước còn rất nhiều dư địa để lập các kỷ lục mới trong hợp tác thương mại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam sẽ làm hết sức mình để hoàn thiện thể chế, hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực tốt, góp phần giảm chi phí, nâng cao chất lượng, giúp doanh nghiệp Trung Quốc yên tâm khi sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư ở Việt Nam, và Chính phủ Việt Nam sẽ đảm bảo môi trường đầu tư thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh với tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện và đã thực hiện phải hiệu quả để tất cả cùng thắng.

Nhất trí với điều này, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung nhận định hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc ngày càng sâu sắc, phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm.

"Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư", ông Lưu Quốc Trung nói và nhận định dư địa để hợp tác giữa hai nước còn rất lớn.

Với việc Thủ tướng Phạm Minh Chính được mời tham dự và phát biểu tại phiên đối thoại trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thiên Tân, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá điều này có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới đang có những thay đổi lớn, tạo ra cơ hội cùng nhiều thách thức.

"Đây là dịp để chúng ta chia sẻ với quốc tế về tình hình Việt Nam. Thủ tướng đã có bài trình bày rất xuất sắc, gây ấn tượng mạnh với cộng đồng quốc tế. Các nước và tổ chức quốc tế đánh giá cao cách Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn, mở ra nhiều cơ hội mới cho kinh tế", ông Dũng nói.

Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế, thắt chặt tình hữu nghị - 12

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Khu mới Hùng An ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc (Ảnh: Đoàn Bắc).

Tháp tùng Thủ tướng trong các sự kiện, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết khi gặp gỡ các nhà đầu tư lớn của quốc tế và Trung Quốc, Thủ tướng đã truyền đi thông điệp của Chính phủ Việt Nam, khẳng định tiếp tục thu hút đầu tư mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng sạch, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

Trước khi lên chuyên cơ trở về Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm Tân khu Hùng An ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Nằm cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 100km về phía tây nam, Tân khu Hùng An được xây dựng với kỳ vọng trở thành "thành phố trong mơ", "thành phố tương lai" của Trung Quốc.

Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế, thắt chặt tình hữu nghị - 13

Một góc Tân khu Hùng An - nơi được mệnh danh là "Thành phố trong mơ" của Trung Quốc (Ảnh: Nhật Bắc).

Đánh giá cao tầm nhìn chiến lược của Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong việc xây dựng Tân khu Hùng An, Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng khi là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được mời thăm nơi đây.

Tìm hiểu về sự lựa chọn địa điểm công tác quy hoạch, cơ chế huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài xã hội phục vụ xây dựng Tân khu Hùng An, Thủ tướng Phạm Minh Chính ấn tượng với việc khai thác tối đa nguồn lực lòng đất để phát triển hạ tầng cũng như việc xanh hóa nơi đây.

Theo ông, đây là mô hình mà Việt Nam cần tham khảo trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước bởi nơi đây giải quyết được 3 "căn bệnh" cơ bản mà các đô thị lớn thường gặp, là: quá tải về hạ tầng; ô nhiễm môi trường sống; thiếu nhà ở và điều kiện sinh hoạt đủ tiêu chuẩn cho người dân.

Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế, thắt chặt tình hữu nghị - 14

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc (Ảnh: Nhật Bắc).

                                                                                                                                              Hoài Thu