1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Việt Nam vay nước ngoài tối đa 25 - 27 tỷ USD

Theo “Chương trình quản lý nợ nước ngoài trung hạn giai đoạn 2009-2012” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vốn vay nước ngoài trung và dài hạn giai đoạn 2009 - 2012 của Việt Nam tối đa khoảng 25 - 27 tỷ USD (tăng khoảng 65% so với giai đoạn 2005 - 2008).

Tỷ lệ huy động vốn vay nước ngoài chiếm khoảng 16% so với tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 6% so với GDP  vào năm 2012; trong đó, vay nước ngoài của khu vực công khoảng 18-19 tỷ USD, khu vực tư nhân khoảng 7 - 8 tỷ USD.

Nguồn vốn nước ngoài huy động chủ yếu được hình thành từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư gián tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài qua thị trường chứng khoán, vay thương mại (kể cả phát hành trái phiếu ra nước ngoài) và kiều hối.

Tổng mức rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ giai đoạn 2009 - 2012 khoảng 11 - 12 tỷ USD, trong đó rút vốn vay ODA khoảng 7,5 - 8 tỷ USD, vay thương mại từ 3,5 - 4 tỷ USD.

Cơ cấu chi ngân sách Nhà nước từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ, bao gồm: cân đối ngân sách nhà nước khoảng 6 - 6,5 tỷ USD, cho vay lại khoảng 5 - 5,5 tỷ USD.

Chính phủ ưu tiên bố trí sử dụng vốn vay bổ sung cho đầu tư phát triển, hỗ trợ cân đối ngân sách nhà nước để thực hiện điều chỉnh cơ cấu kinh tế và thực hiện chính sách cải cách kinh tế, xã hội và xóa đói, giảm nghèo.

Vay nước ngoài cho cân đối ngân sách nhà nước phải được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm mức bội chi bình quân trong 4 năm không quá 5% GDP, trong đó bù đắp bằng nguồn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 1,5% GDP. Từng bước chuyển đổi cách tính bội chi theo thông lệ quốc tế không quá 3% GDP.

Tiếp tục thực hiện bảo lãnh cho các khoản vay của doanh nghiệp đầu tư các dự án trọng điểm Nhà nước, các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên, có hiệu quả, có khả năng trả nợ trực tiếp và không vượt quá hạn mức vay thương mại hàng năm.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý rủi ro và giám sát chặt chẽ nợ nước ngoài; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát của Nhà nước trong quản lý nợ nước ngoài; hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý nợ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nợ nước ngoài.

Trong giai đoạn trung hạn cần tiếp tục duy trì các chỉ số nợ ở mức an toàn và bền vững, dư nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Cụ thể, giá trị hiện tại của nợ nước ngoài so với GDP 200%.

Theo TTXVN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm