1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Việt Nam trong mắt các vị đại sứ nước ngoài

Việt Nam - "đất nước của hoa sen", "một đất nước chứ không phải một cuộc chiến tranh", "một đất nước tuy nghèo nhưng không tuyệt vọng", đó là cảm nhận của một số nhà ngoại giao, người nước ngoài đã và đang sống ở Việt Nam.

Hattori Norio (Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam) Đất nước của hoa sen

 

Tôi đã sống ở Việt Nam được một năm rưỡi, nhưng sau khi nghe câu chuyện của ông Nikai tôi mới thực sự thấy rõ ấn tượng của mình về Việt Nam. Trong câu chuyện của mình, ông Nikai nói về hoa sen.

 

Ông Nikai luôn nói rằng hoa sen của Việt Nam rất tuyệt vời và ông mong muốn đến thăm Việt Nam khi có cơ hội để chiêm ngưỡng hoa sen, hơn nữa ông còn muốn mang sen Oga  (một loại sen của Nhật) đến Việt Nam.

 

Sau khi ông Nikai về nước, tôi dự định sẽ tìm hiểu nhiều hơn về hoa sen Việt Nam.

 

Người được nhân dân Việt Nam luôn yêu quý và kính trọng là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh tại tỉnh Nghệ An, miền trung Việt Nam vào ngày 19/5/1890. Làng Sen là nơi cố Chủ tịch được sinh ra. Tên gọi của làng theo tiếng Việt có nghĩa là làng của hoa sen.

 

Trên phi cơ của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam có vẽ một bông hoa sen lớn.

 

Người Việt Nam rất yêu thơ. Người sáng tác thơ cũng không ít. Các bài thơ lấy chủ đề hoa sen cũng có rất nhiều. Khác với hoa sen Nhật Bản, hoa sen Việt Nam phần lớn nở trên đất bùn. Tuy nở trên đất bùn nhưng vẻ đẹp của hoa sen Việt Nam thì không có loài hoa nào sánh được.

 

Người Việt Nam cũng giống như người Nhật Bản rất thích uống trà. Có một cách pha trà theo phong tục cổ truyền là dùng sương đọng trên nhụy hoa hay trên lá sen để pha trà.

 

Như vậy hoa sen có phải là loài hoa đại diện cho Việt Nam không? Tuy hoa sen không được quyết định chính thức là loài hoa đại diện cho quốc gia nhưng có thể nói nó là biểu tượng của Việt Nam.

 

Việt Nam trong mắt các vị đại sứ nước ngoài - 1

 

Ấn tượng của tôi về Việt Nam chính là hoa sen. Hoa sen vốn là hoa của Phật giáo. Phật tổ luôn tọa trên đài sen. Tôi nhận thấy Nhật Bản và Việt Nam dường như có sự gắn bó nào đó thông qua loài hoa này.

 

Pete Peterson (cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam) Một đất nước chứ không phải một cuộc chiến tranh

 

Là một cựu chiến binh và là cựu tù binh chiến tranh, tôi còn nhớ những nỗi kinh hoàng của chiến trường và tôi hiểu việc chữa lành các vết thương khó khăn như thế nào. Năm 1997, khi trở lại Việt Nam với tư cách là Đại sứ Hoa Kỳ, trên đường tới nơi làm nhiệm vụ tôi đã không thể nào quên thời khắc mà tôi được đưa tới trại giam cũng trên những con đường đó, trên một chiếc xe tải, hai tay bị còng, chân bị trói, mắt bị bịt và miệng cũng thường bị bịt kín. Tôi cũng không bao giờ quên được những ngày mà khi nghĩ đến Việt Nam là tôi nghĩ ngay đến một cuộc chiến tranh chứ không phải một đất nước.

 

Nhưng rồi tôi nhanh chóng nhận ra rằng tôi không cần phải quên đi quá khứ. Tôi chỉ cần tập trung nghĩ về một tương lai tốt đẹp hơn.

 

Qua 20 năm Hoa Kỳ mới bắt đầu tích cực hoà giải với việt Nam. Đó là khoảng thời gian quá dài. Việc thực thi thoả thuận thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có khả năng bù đắp khoảng thời gian đã mất. Thoả thuận này sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của mỗi công dân Việt Nam và gửi các tín hiệu tích cực đến các công ty Hoa Kỳ rằng Việt Nam đã mở cửa cho kinh doanh.

 

Đã diễn ra những thay đổi quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá và sự chuyển biến trong các lĩnh vực đó vẫn đang tiếp diễn. Những sự chuyển đổi đó được các chính sách cam kết hợp tác của Washington hỗ trợ biểu hiện bằng việc chấm dứt cấm vận hồi năm 1994 và thiết lập quan hệ ngoại giao hồi năm 1995.

 

Thông qua các cuộc đối thoại thẳng thắn, tôn trọng lẫn nhau và cam kết đi đến thắng lợi của các nhà lãnh đạo hai nước, Việt Nam và Hoa Kỳ đã lại trở thành bạn bè, Việt Nam đã trở thành thành viên hoà bình, được tôn trọng của cộng đồng các dân tộc... cuối cùng một đất nước chứ không phải là một cuộc chiến tranh đã trở lại trong tâm trí của mọi người trên thế giới.

 

Steve Knipp (Nhà báo Mỹ) Ấn tượng Việt Nam

 

Tôi đã gặp một cô bé già dặn nhất thế giới trên đường phố Sài Gòn. Mỗi buổi sáng cô bé ấy đứng trên vỉa hè, phía bên ngoài khách sạn tôi ở để bán các tấm bưu ảnh với chất lượng in tồi. Cô bé không nài nỉ cũng không níu kéo, chỉ đứng im lặng với vẻ chịu đựng như thể một người lính gác.

 

Mỗi ngày tôi lại mua vài tấm bưu ảnh của cô bé và mỉm cười với cô. Cô bé nói tiếng Anh trôi chảy nhưng đượm buồn. Tôi đoán cô bé chỉ khoảng 11 tuổi. Giống như quê hương mình, chắc cô bé ấy đã trải qua thời kỳ khó khăn, cả về thể chất và tâm lý.

 

Việt Nam là một đất nước của những chiến binh dũng mãnh. Sự thực, chỉ có một số ít quốc gia phải liên tục trải qua các cuộc chiến tranh như Việt Nam. Hàng nghìn năm trước khi họ đánh đuổi người Pháp khỏi đất nước và làm bẽ mặt người Mỹ, họ đã phải chiến đấu chống lại những người Trung Hoa để tự quyết định vận mệnh của mình.

 

Thoạt nhìn Sài Gòn nom giống như một thành phố ở nam Âu. Tại đó có những đại lộ rộng lớn với hai hàng cây nhiệt đới xanh tươi và ngôi giáo đường Thiên chúa giáo mầu hồng nằm giữa trung tâm thành phố đông đúc. Một hương vị châu Âu man mác trong mùi cà-phê xay và mùi bánh mì vừa ra lò lan toả trong không khí.

 

Mặc dù Sài Gòn có vẻ đang ngày một thịnh vượng nhưng, theo thống kê, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Nghèo nhưng không tuyệt vọng. Trong các năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

 

Các công ty Mỹ đã chậm chân khi trở lại Việt Nam vì suốt nhiều năm họ bị ngăn cấm bởi luật chống buôn bán với kẻ thù. Trong khi đó thương nhân các nước khác như Hàn Quốc, Singapore, Hồng Công vui mừng lấp đầy chỗ trống, kinh doanh mọi thứ, từ khách sạn đến sân golf, từ dệt may đến điện tử.

 

Buổi chiều, bầu không khí Sài Gòn trở nên ngột ngạt. Đó là khoảng thời gian thành phố có quang cảnh đáng yêu nhất. Các cô gái xinh xắn trong những chiếc áo dài thanh lịch đi những chiếc Vespa hoặc Honda sáng loáng trở về nhà, mái tóc đen và dài của họ được buộc túm lại bằng những dải ruy băng mầu sáng.

 

Một phụ nữ trung niên, người đã có thời làm việc trong địa đạo hồi chiến tranh, đứng ra trả lời các câu hỏi của khách tham quan. Chị sinh năm 1940, bắt đầu cầm súng chống Mỹ từ năm 1963, khi mới 23 tuổi, và đã trở thành một anh hùng.

 

Đã nhiều năm người Mỹ biết về sự tồn tại của hệ thống địa đạo nhưng ít khi họ tìm thấy lối vào trong đó. Để xua đuổi những người đào địa đạo, họ rải các chất diệt cỏ khắp vùng Củ Chi. Giờ đây, cây lá vùng này không tươi tốt sum sê như các vùng miền quê khác mà hầu hết đều xơ xác.

 

Khi được hỏi có phải chị đã từng giết người Mỹ phải không, người cựu binh du kích gật đầu. Khi được hỏi, chị đã giết hơn một người phải không, chị lại gật đầu và nói "rất nhiều". Sau một lúc im lặng chị nói tiếp: "Tôi không muốn giết những người Mỹ ấy. Họ đều còn trẻ như tôi. Tôi chỉ muốn họ rời khỏi đất nước tôi thôi".

 

Tôi trải qua buổi chiều cuối cùng ở Việt Nam tại một cửa hàng kem có tên là kem Bạch Đằng. Để chống lại cái nóng, tôi gọi một cốc cà-phê sữa nổi tiếng của Việt Nam và một đĩa kem lớn.

 

Trong tiếng sấm, những ánh chớp loé lên. Qua ô cửa sổ tôi ngắm nhìn cơn dông rửa sạch đại lộ Lê Lợi và thấy bầu không khí có thêm một mùi hương ẩm ướt.

 

Khi người hầu bàn đặt lên bàn cốc cà phê sữa thứ hai, tôi nhìn thấy các cô gái Việt Nam thong thả đạp xe trong màn mưa mỏng. Những chiếc loa cũ treo trên tường bỗng kêu rọt rẹt, sau đó vang lên giai điệu một bài hát êm dịu của hồi thập kỷ sáu mươi "Ngày mai anh có còn yêu em nữa không?".

 

Theo Nhân dân/Đại đoàn kết

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm