Việt Nam trở thành điểm sáng, chiếm được lòng tin của nhà đầu tư thế giới
(Dân trí) - "Việt Nam đang trở thành điểm sáng, ngày càng chiếm được lòng tin của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thế giới"- Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói tại Đại hội XIII sáng 28/1.
Tại Đại hội XIII của Đảng sáng 28/1, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trình bày tham luận "Nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu".
Theo ông, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức trung bình cao. Năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng 16 bậc trong vòng 10 năm, từ vị trí thứ 58 vào năm 2009 lên vị trí thứ 42 vào năm 2019 (theo xếp hạng của UNIDO), trở thành quốc gia có mức tăng hạng nhanh nhất trong các nước thuộc khu vực ASEAN.
Đến nay, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy..., tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.
"Cùng với các hoạt động thu hút đầu tư với sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế lớn và công ty đa quốc gia hàng đầu tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cũng đã có bước phát triển, vươn lên mạnh mẽ, trong đó đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo... như Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát..., đã tạo nền tảng cho công nghiệp hỗ trợ, giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu"- Bộ trưởng Công Thương cho hay.
"Chỉ tham gia được vào các khâu trung gian có giá trị gia tăng thấp"
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, theo ông Trần Tuấn Anh, còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển công nghiệp của đất nước ta. Trong đó, sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện nay nhìn chung vẫn đang tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp.
"Các ngành công nghiệp của ta nhìn chung mới chỉ tham gia được vào các khâu trung gian có giá trị gia tăng thấp (là các khâu gia công, lắp ráp), chưa chiếm lĩnh được các phân khúc có giá trị gia tăng cao như các khâu thượng nguồn (như nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm; quảng bá sản phẩm, phân phối, chăm sóc khách hàng) hoặc cung ứng các sản phẩm dịch vụ và các khâu hạ nguồn (như nguyên, nhiên vật liệu, máy móc thiết bị sản xuất)"- ông phân tích.
Trong khi đó, Việt Nam sẽ không chỉ chịu tác động từ phía cầu (thị trường đầu ra), mà còn cả từ phía cung (là kênh cung ứng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước).
Tác động của dịch Covid-19 là một minh chứng điển hình cho tác động đa chiều đối với nền kinh tế Việt Nam, khi chúng ta cùng lúc gặp cả khó khăn, đứt gãy về thị trường đầu ra cho xuất khẩu, vừa bị đứt gãy nguồn cung phục vụ cho sản xuất trong nước.
Trong khi đó, chi phí thương mại của Việt Nam vẫn đang còn ở mức cao, cao hơn mức trung bình của ASEAN về chi phí logistics, chi phí tuân thủ các quy định tại cửa khẩu và sau khi thông quan.
Việc tổ chức, phân bố không gian phát triển các ngành công nghiệp chưa khai thác tốt lợi thế cạnh tranh của các vùng; chưa hình thành được nhiều cụm ngành công nghiệp chuyên môn hóa để liên kết phát triển theo chuỗi và nâng cao khả năng tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
"Việt Nam đang trở thành điểm sáng"
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, bối cảnh và tình hình thế giới đang đặt ra cho Việt Nam những thách thức to lớn nhưng cũng tạo nên cơ hội vô cùng quý giá để có thể tận dụng nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và vươn lên mạnh mẽ.
"Dòng chảy đầu tư của thế giới vốn đang trong quá trình dịch chuyển, cộng thêm tác động của dịch Covid-19 càng làm cho đích đến của các nguồn vốn đầu tư chuyển về các địa bàn có môi trường ổn định, trong đó Việt Nam đang trở thành điểm sáng, ngày càng chiếm được lòng tin của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thế giới"- ông Tuấn Anh phân tích.
Đồng thời, quá trình chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ tư... không chỉ tác động trực tiếp tới các hoạt động thương mại mà còn làm thay đổi sâu sắc các phương thức sản xuất truyền thống. Đây vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội tốt để những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam có thể rút ngắn thời gian, bắt kịp các nền kinh tế phát triển.
"Để có thể tận dụng được thời cơ này, giúp Việt Nam có thể nâng cao được vai trò, vị thế trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển bền vững, cần bám sát quan điểm xuyên suốt mà Đảng ta đã xác định, đó là: "Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực đóng vai trò quyết định".
Theo đó, trọng tâm là tập trung vào thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao năng lực nội tại của các ngành công nghiệp; phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước, củng cố các doanh nghiệp lớn, nòng cốt trong các lĩnh vực sản xuất nền tảng và lĩnh vực mũi nhọn, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao"- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu quan điểm.
Ông khẳng định, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu nhưng đồng thời nâng cao tính độc lập, tự chủ trong phát triển kinh tế của nước ta thời gian tới vừa là yêu cầu, đòi hỏi nhưng cũng vừa là phương châm, cách thức để Việt Nam có thể vượt qua khó khăn, thách thức và tận dụng được những cơ hội để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn phát triển sắp tới.