Việt Nam tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm quốc phòng

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Từ kết quả hợp tác chuyển giao công nghệ hay hợp tác nghiên cứu, sản xuất với các nước, Việt Nam đã sản xuất thành công nhiều sản phẩm như súng, tàu quân sự,... và đang tìm kiếm cơ hội xuất khẩu.

Đa phương hóa, đa dạng hóa các kênh hợp tác, mua sắm

Giới thiệu với các đại biểu quốc tế về Công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022, Đại tá Dương Văn Yên, Phó chủ nhiệm Tổng cục CNQP cho biết, CNQP Việt Nam ra đời ngay sau khi nước Việt Nam giành được độc lập năm 1945.

Trải qua gần 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đồng hành cùng mọi thắng lợi của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, CNQP Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và đang lớn mạnh không ngừng: Bắt đầu với các xưởng sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật và đến nay đã hình thành được một hệ thống thống nhất các cơ sở nghiên cứu, sản xuất trải dài trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

z3946342950403_7dae6a94e6b343ed41f6f00a627664e4-edited.jpeg

Đại tá Dương Văn Yên giới thiệu với các đại biểu quốc tế về Công nghiệp quốc phòng Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 (Ảnh: Văn Hiếu).

Hầu hết các cơ sở CNQP Việt Nam thuộc sở hữu Nhà nước, giao cho Bộ Quốc phòng Việt Nam quản lý. Trong đó, Tổng cục CNQP là cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ, Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý về CNQP trên phạm vi cả nước; đồng thời, quản lý, chỉ đạo các công ty sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị trực thuộc. Hiện nay, năng lực của các cơ sở CNQP nòng cốt của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cả về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và chất lượng nguồn nhân lực.

Theo Đại tá Dương Văn Yên, hợp tác quốc tế về CNQP là một trụ cột trong đối ngoại quốc phòng. Chủ trương của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về CNQP là đa phương hóa, đa dạng hóa các kênh hợp tác, mua sắm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài về sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật, trang bị hậu cần đáp ứng yêu cầu của các lực lượng vũ trang.

"Nhiều sản phẩm được sản xuất thành công từ kết quả hợp tác chuyển giao công nghệ hay hợp tác nghiên cứu, sản xuất với các nước như súng, tàu quân sự, ngòi đạn, thuốc phóng, thuốc nổ... Đồng thời, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm quốc phòng do Việt Nam sản xuất", Đại tá Dương Văn Yên nói.

Đề cập tới chính sách phát triển theo hướng lưỡng dụng của CNQP Việt Nam, Đại tá Dương Văn Yên cho biết, chính sách này được triển khai đồng bộ theo hai chiều: Một là, đẩy mạnh các lĩnh vực có thế mạnh của CNQP để tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ;

Hai là, huy động tối đa năng lực sản xuất, công nghệ của các thành phần kinh tế công nghiệp dân sinh cho các hoạt động CNQP. Qua đó, kết hợp chặt chẽ các cơ sở CNQP với các cơ sở công nghiệp dân sinh phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

Việt Nam tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm quốc phòng - 2

Nhiều khí tài quân sự được trưng bày tại triển lãm (Ảnh: Mạnh Quân).

Phó chủ nhiệm Tổng cục CNQP cho biết thêm, chủ trương xây dựng, phát triển CNQP đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, đủ năng lực sản xuất được các loại vũ khí trang bị hiện đại, vũ khí chiến lược, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại, nâng cao sức mạnh, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nâng cao tiềm lực quốc phòng.

Đại tá Dương Văn Yên cũng đưa ra các định hướng, giải pháp phát triển CNQP Việt Nam theo hướng lưỡng dụng, hiện đại.

"Ranh giới công nghệ quân sự và dân sự ngày càng mờ đi"

Việt Nam tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm quốc phòng - 3

Trung tá Tăng Trường Sơn chia sẻ về những sản phẩm quốc phòng của Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Trung tá Tăng Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) cho biết, đơn vị đã mang đến triển lãm hơn 50 sản phẩm thuộc 7 chủng loại, bao gồm: Radar, Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử, UAV, Quang điện tử, Chỉ huy điều khiển, Mô hình mô phỏng do Viettel làm chủ nghiên cứu, sản xuất. Các sản phẩm này đều áp dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất trên thế giới và đã sản xuất, cung cấp cho Quân đội nhân dân Việt Nam, một số sản phẩm đã xuất khẩu.

Việt Nam tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm quốc phòng - 4

Gian hàng trưng bày của Viettel (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Với trang bị thông tin quân sự, chúng tôi có đầy đủ các dòng sản phẩm cho các lực lượng Hải quân, Không quân, từ cấp chiến thuật, chiến dịch đến chiến lược. Các trang bị có tính cơ động cao, thuận tiện triển khai từ dạng cầm tay, mang xách, trạm cố định cho đến trang bị cho tàu, xe cơ giới, tạo thành mạng thông tin liên lạc thông suốt, hoàn chỉnh", Trung tá Tăng Trường Sơn nói.

Cũng theo Trung tá Tăng Trường Sơn, đơn vị này còn đang nghiên cứu nhiều chủng loại thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, giám sát và tấn công. Tại triển lãm lần này đơn vị có 2 sản phẩm là các UAV trinh sát hạng nhẹ với thời gian bay từ 3-6 giờ, trần bay 3.000m, cự ly tương ứng 50km và 70km.

Việt Nam tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm quốc phòng - 5

Một sản phẩm UAV được trưng bày tại triển lãm (Ảnh: Nguyễn Dương).

Trung tá Tăng Trường Sơn chia sẻ thêm, ranh giới về công nghệ quân sự và dân sự ngày càng mờ đi, việc lưỡng dụng đã được thể hiện ở rất nhiều khâu. Một số công nghệ dân sự còn đi trước công nghệ quân sự như trí tuệ nhân tạo, Big Data… Các công nghệ lõi hoàn toàn sử dụng chéo được cho cả quân sự và dân sự, giảm thiểu được chi phí, tăng tính công nghệ của sản phẩm.

"Hợp tác với các đối tác quốc tế hàng đầu là chiến lược phát triển của chúng tôi. Với mong muốn trao nhận kiến thức, phát triển đa lĩnh vực, chúng tôi đang đồng hành tích cực cùng cộng đồng công nghệ cao trong ngành quân sự và dân sự", Trung tá Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 do Bộ Quốc phòng tổ chức tại khu vực Sân bay Gia Lâm (phường Phúc Đồng, quận Long Biên, TP Hà Nội) từ ngày 8-10/12.

Triển lãm nhằm mục đích tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại về quốc phòng, tạo dựng lòng tin giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Triển lãm cũng là nơi để Việt Nam quảng bá, tuyên truyền năng lực, tiềm lực công nghệ, vũ khí trang bị do Công nghiệp quốc phòng Việt Nam sản xuất đến bạn bè quốc tế và nhân dân trong nước; tạo điều kiện để các quốc gia, các công ty, doanh nghiệp trong nước, quốc tế giới thiệu, trưng bày sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Hơn 170 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến từ 30 quốc gia có gian hàng trưng bày tại triển lãm.