"Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho APEC"
Chủ tịch nước nhấn mạnh APEC đang nỗ lực tăng cường hợp tác, thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế.
Đây là sự kiện đầu tiên có sự tham dự của các nhà lãnh đạo cấp cao APEC và là hội nghị quan trọng nhất của cộng đồng doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức hàng năm trong Tuần lễ Cấp cao APEC. Hội nghị năm nay diễn ra trong ba ngày từ 10-12/11, với sự tham dự của khoảng 1.500 lãnh đạo các tập đoàn và doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực
Với chủ đề “Xác định lại tương lai,” các nhà lãnh đạo sẽ cùng các tập đoàn tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy phát triển bền vững thông qua đổi mới giáo dục, đầu tư dài hạn, phát triển đô thị, công nghệ, chuỗi cung ứng; đồng thời ứng phó với các thách thức về nhu cầu nguồn lực ngày càng tăng, thay đổi về nhân khẩu học và biến đổi khí hậu.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Tổng thống Peru Ollanta Humala là khách mời danh dự của Ban Tổ chức tại Tiệc trưa chào mừng các nhà lãnh đạo mới của APEC.
Trong bài phát biểu chính tại Tiệc trưa, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh APEC đang nỗ lực tăng cường hợp tác, thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế và phát triển bền vững. Đối với nhiều nước đang hội nhập sâu rộng vào quốc tế và khu vực; trong đó có Việt Nam, nhu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế càng trở nên cần thiết và quan trọng.
Chủ tịch nước cũng đề cao vai trò của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và APEC đối với quá trình phát triển của Việt Nam. APEC hiện là khu vực cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức lớn nhất, chiếm 65% tổng số vốn đầu tư nước ngoài, 60% giá trị xuất khẩu và 80% giá trị nhập khẩu và 75% khách du lịch quốc tế của Việt Nam.
Chủ tịch nước khẳng định rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho tiến trình gia tăng hợp tác và liên kết kinh tế khu vực, tạo môi trường kinh doanh và đầu tư ngày càng thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh doanh nghiệp nước ngoài là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của kinh tế Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại và tương lai.
Các doanh nghiệp APEC đánh giá cao những thành tựu có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam trong quá trình đổi mới và nỗ lực hội nhập quốc tế sâu và toàn diện; khẳng định ủng hộ và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng; tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được những kết quả tích cực trong thời gian tới; sẽ tích cực mở rộng và triển khai các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Cùng ngày, Chủ tịch nước đã dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Hoa Kỳ, tiếp Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ và gặp gỡ lãnh đạo của một số tập đoàn lớn thuộc các nền kinh tế APEC.
Tại cuộc tọa đàm, Chủ tịch nước đã trao đổi và giải đáp nhiều câu hỏi và quan tâm của các doanh nghiệp Hoa Kỳ về các chính sách thương mại, đầu tư, thuế, sở hữu trí tuệ, truyền thông…; đề nghị các doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài như công nghệ hiện đại, công nghiệp hỗ trợ, phát triển kết cấu hạ tầng, năng lượng….
Qua trao đổi, các doanh nghiệp đã hiểu rõ hơn về những nỗ lực của Việt Nam trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bày tỏ tin tưởng về các biện pháp kinh tế của Chính phủ; chia sẻ các kế hoạch sắp tới của mình tại Việt Nam và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ để hiện thực hóa các kế hoạch này. Các doanh nghiệp cũng khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện.
Cũng trong ngày hôm nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới thăm và có bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại của Việt Nam và quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ tại Trung tâm Đông Tây, là một trong những trung tâm nghiên cứu chính sách lớn nhất của Hoa Kỳ và tại châu Á-Thái Bình Dương.
Đây là phát biểu đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tại cơ quan nghiên cứu có uy tín hàng đầu này, với sự tham dự của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo 11 quốc đảo ở Thái Bình Dương, đại diện nghị sỹ liên bang, lãnh đạo bang Hawaii và thành phố Honolulu, cùng các nhà nghiên cứu, học giả và sinh viên trường Đại học tổng hợp Hawaii.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có các cuộc gặp với Tổng thống Chile Sebastian Pinera, Tổng thống Peru Ollanta Humala và gặp với lãnh đạo 11 quốc đảo Thái Bình Dương đang tham dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương tại thành phố Honolulu, bang Hawaii.
Tại các cuộc gặp, lãnh đạo các nước đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp giữa các nước với Việt Nam, trao đổi những biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ song phương, nhất là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.
Chủ tịch nước và Tổng thống Chile đã chứng kiến lễ ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Chile.
Chủ tịch nước và Tổng thống Peru đã chứng kiến lễ ký Thỏa thuận giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Kinh tế và Tài chính Peru về hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan hải quan.
TTXVN/Vietnam+