Việt Nam sẽ hợp tác với Hoa Kỳ sử dụng khoảng không vũ trụ vì hòa bình
(Dân trí) - Liên quan đến lĩnh vực không gian vũ trụ, Việt Nam – Hoa Kỳ đang nỗ lực trao đổi để tiến tới ký kết Hiệp định Khung về hợp tác sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình trong thời gian sớm nhất.
Ngày 2/12, tại TPHCM đã diễn ra khai mạc khóa họp lần thứ 9 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác Khoa học & Công nghệ Việt Nam – Hoa Kỳ (JCM9). Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao và 15 năm ký kết Hiệp định Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giữa 2 nước.
Lễ khai mạc có sự tham dự của ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH&CN, ông Ted Osius, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Jonathan Margolis, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về Khoa học, vũ trụ và y tế… và đại diện các cơ quan của Chính phủ, cơ quan nghiên cứu KH&CN, tổ chức phi Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ.
Theo ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH&CN, JCM9 là dịp để điểm lại tình hình thực hiện các dự án hợp tác về KH&CN giữa hai bên, xem xét những đề xuất mới cũng như đề ra phương hướng, kế hoạch hợp tác trong thời gian sắp tới. Ngoài việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả việc thực hiện các dự án, khóa họp còn tập trung trao đổi kinh nghiệm, cập nhật về các chính sách và định hướng KH&CN mới của cả hai bên để từ đó tìm ra một cơ chế thích hợp nhằm thúc đẩy sâu sắc hơn nữa quá trình hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực KH&CN.
Tại JCM9 lần này, hai bên thống nhất tập trung thảo luận 5 nhóm trên các lĩnh vực: Khoa học y tế và sức khỏe; nông nghiệp; trao đổi giáo dục và nghiên cứu; khoa học bảo tồn và môi trường; khí tượng, thủy văn và cảnh báo bão.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như Sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng; không gian vũ trụ và năng lượng hạt nhân vẫn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ hai nước. Trong khuôn khổ của chuỗi các sự kiện lần này cũng diễn ra Hội thảo: “Hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững thông qua nghiên cứu và đổi mới sáng tạo”.
Đại sứ Ted Osius: "Không gì là không thể nếu hai nước bắt tay hợp tác cùng nhau"
Về sở hữu trí tuệ, phía Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực, nâng cao vai trò của sở hữu trí tuệ trong hoạt động sáng tạo và tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, với việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong thời gian tới, nền kinh tế của Việt Nam sẽ có những thay đổi tích cực.
Liên quan đến lĩnh vực không gian vũ trụ, hai bên đang nỗ lực trao đổi để tiến tới ký kết Hiệp định Khung về hợp tác sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình trong thời gian sớm nhất. Trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, vào tháng 5/2014, Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức ký kết Hiệp định sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123), mở ra cơ hội để Việt Nam có thể tiếp cận các công nghệ hiện đại của Hoa Kỳ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ hợp tác, đầu tư vào thị trường Việt Nam vì lợi ích của cả hai bên.
“Tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trở nên cấp thiết để doanh nghiệp có thể nâng cao vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để đáp ứng đòi hỏi sắp tới, cần đẩy mạnh đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng tập trung vào doanh nghiệp. Chỉ có đổi mới sáng tạo thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại và phát triển”, ông Nguyễn Quân nói.
Đại diện các cơ quan của Chính phủ, cơ quan nghiên cứu KH&CN, tổ chức phi Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ tham dự hội nghị
Hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thực sự bắt đầu từ năm 2000 với việc hai nước ký Hiệp định hợp tác KH&CN nhân dịp chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton sang Việt Nam, mở ra thời kỳ mới về hợp tác KH&CN giữa hai quốc gia.
“Ngay cả khi quan hệ ngoại giao chưa bình thường thì hợp tác về khoa học, công nghệ của hai nước đã diễn ra. Từ mối quan hệ về khoa học đã xây dựng nên các mối quan hệ khác, trong đó có việc bình thường ngoại giao như 20 năm qua. Tôi tin rằng, 20 năm tới, khoa học công nghệ hai nước càng phát triển hơn nữa. Mọi thứ sẽ không có gì là không thể nếu chúng ta bắt tay hợp tác cùng nhau”, ông Ted Osius, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh.
Công Quang