Việt Nam sẽ có kho dầu dự trữ chiến lược
Bộ Công nghiệp đang hoàn thiện đề án nghiên cứu xây dựng kho dầu dự trữ chiếc lược quốc gia. Đây sẽ là nguồn cung giúp VN hạn chế bớt ảnh hưởng từ biến động thế giới, tránh tình cảnh điều chỉnh giá liên tục, thậm chí phải tính chuyện mang dầu thô ra nước ngoài thuê chế biến.
Theo đề án, VN sẽ dự trữ cả dầu đã chế biến và dầu thô với quy trình vận hành bảo dưỡng, quản lý thất thoát, chi phí khác so với các mặt hàng chiến lược khác. Có thể tính đến phương án Nhà nước bỏ vốn đầu tư và thuê các công ty quản lý. Bộ Công nghiệp sẽ nghiên cứu một quy trình riêng, giá dầu nhập khẩu lên bao nhiêu sẽ rút dầu dự trữ ra và xuống bao nhiêu thì tính chuyện nhập thêm vào.
Có rất nhiều loại kho dự trữ xăng dầu, có thể là các boong ke xây nổi trên mặt đất hoặc những kho dầu khoan sâu vào lòng núi, thậm chí có thể tính đến chuyện một số mỏ như Bạch Hổ sau khi khai thác hết sẽ được gia cố để bơm dầu dự trữ vào... Tính toán sơ bộ cho thấy, đầu tư cho những kho dầu như vậy rất tốn kém, riêng chi phí xây dựng đã lên tới 100 USD/m2. Petrolimex đầu tư một kho dầu ở Vân Phong dung tích 500.000 m3 tốn tới 800-900 tỷ đồng. Thông thường các kho phải cách nhau tối thiểu 150-200 km.
- Năm 2005, VN dự kiến nhập 13,48 triệu tấn xăng dầu, năm 2010 là 19,1 triệu tấn.
- Lượng tổn thất do bay hơi thất thoát ở các kho chứa dầu dự đoán vào khoảng 24.604 tấn trong năm 2005, tương đương gần 200 tỷ đồng; năm 2010 có thể tổn thất 35.539 tấn, giá trị gần 300 tỷ đồng.
(Nguồn: Tổng công ty Dầu khí VN) |
Theo ông Nguyễn Văn Vỵ, Viện phó Viện chính sách chiến lược Bộ Công nghiệp, VN mới có kho dầu dự trữ thương mại của các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu với tổng dung tích trên 1 triệu m3 tập trung ở Quảng Ninh, Hải Phòng, TPHCM, Cần Thơ và Đà Nẵng. Quy chế kinh doanh xăng dầu quy định, doanh nghiệp phải có dự trữ bằng 15 ngày tiêu thụ bình quân, vì thế lượng xăng dầu liên tục được đổ vào và rút đi, không có ý nghĩa chiến lược. Bộ đang đặt ra kế hoạch có thể đưa dự trữ xăng dầu lên 35 ngày. Thời gian dự trữ như vậy chỉ bằng 1/3 so với các nước phát triển. Hiện Mỹ dự trữ khối lượng xăng dầu bằng 100 ngày tiêu thụ bình quân, Nhật Bản dự trữ hẳn 150 ngày, tới 150-160 triệu m3, chỉ cần các nước này điều chỉnh dự trữ giá dầu trên thị trường thế giới lập tức "hắt hơi sổ mũi" theo.
Báo cáo mới đây của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF khuyến cáo, nhu cầu về dầu mỏ sẽ tiếp tục tăng nhanh, mức tiêu thụ sẽ lên đến gần 140 triệu thùng/ngày vào năm 2030. Nhu cầu của các nước đang phát triển và các nước mới nổi sẽ tăng gấp 3 lần hiện nay, do nhu cầu sử dụng dầu trong các doanh nghiệp, các hộ gia đình tăng lên và các phương tiện giao thông cũng sẽ gấp 6 lần. Để giảm nhẹ những rủi ro vĩ mô xuất phát từ những bất ổn của giá dầu, IMF đề nghị các nước quá phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ phải tiếp tục thực hiện dự trữ chiến lược đủ để tự bảo vệ mình trước những biến động về nguồn cung.
Vào giữa những năm 90, VN từng rơi vào tình cảnh xuất khẩu dầu thô, có ngoại tệ song do nguồn cung hiếm và quá cao, nhập khẩu dầu thành phẩm rất khó khăn. Khi ấy giải pháp vận chuyển dầu thô sang Singapore chế biến rồi mang về VN đã được tính đến.
Trong bối cảnh giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục có nhiều biến động và tăng cao, Bộ Công nghiệp dự kiến đến tháng 9 này sẽ hoàn thành đề án và lấy ý kiến các bộ ngành để sớm trình Chính phủ.
Theo VnExpress