Việt Nam là 1 trong 20 nước có gánh nặng về suy dinh dưỡng
(Dân trí) - Suy dinh dưỡng trẻ em vẫn phổ biến ở các vùng trong cả nước như Tây Nguyên, Tây Bắc, Bắc miền Trung... Bên cạnh việc giảm suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với vấn đề suy dinh dưỡng thể thấp còi.
Hội nghị dinh dưỡng toàn quốc năm 2009 do Viện Dinh dưỡng - Bộ Y tế tổ chức ngày 17/2 đưa ra thông tin: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi năm 2008 còn ở mức 32,6%. Đây là dạng suy dinh dưỡng mãn tính, để lại hậu quả lâu dài về thể chất khi trưởng thành; dễ mắc phải các bệnh khi trưởng thành như: thừa cân, béo phì, đái tháo đường và một số bệnh truyền nhiễm khác. Suy dinh dưỡng thấp còi cũng liên quan chặt chẽ đến tử vong ở trẻ em.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Ts. Trần Chí Liêm, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: Các hoạt động dinh dưỡng triển khai trong năm 2008 đã được tổng kết với thành tích nổi bật là tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm từ hơn 21% (năm 2007) xuống gần 20% (năm 2008) và đã đạt trước 2 năm mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng và Quốc hội đề ra đến năm 2010. Tuy nhiên, hiện nay các hoạt động này cũng vẫn gặp không ít khó khăn như: kinh tế đất nước bị suy thoái, nhiều dịch bệnh còn tồn tại như tiêu chảy, hô hấp, sởi..., môi trường tự nhiên và xã hội cũng tác động không nhỏ đến dinh dưỡng và nhu cầu về chăm sóc dinh dưỡng còn nhiều hạn chế.
Thứ trưởng yêu cầu tại hội nghị các đại biểu tập trung thảo luận 3 vấn đề lớn sau: nhận xét về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai chương trình dinh dưỡng năm 2008; nêu lên kết quả và đối chiếu với những chỉ tiêu đã đề ra và nghiên cứu những giải pháp để tiếp tục đạt được mục tiêu trong những năm tiếp theo.
Nói về mục tiêu dinh dưỡng năm 2009, Thạc sỹ Trương Hồng Sơn, thư ký Chương trình Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em cho biết: Năm 2009, ngành y tế phấn đấu nâng cao tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu tăng 5% so với năm 2008; tỷ lệ các bà mẹ có kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng tăng 10%; mỗi năm giảm 1,1% suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và 1,3% suy sinh sưỡng thể thấp còi; tỷ lệ hộ có mức năng lượng ăn vào bình quan đầu người thấp (dưới 1.800Kclo) xuống còn dưới 10%; theo dõi và kiểm soát thừa cân - béo phì ở người trưởng thành và các đối tượng khác, đặc biệt là hạn chế tỷ lệ béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 5%...
Được biết, để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt là giảm suy dinh dưỡng thấp còi, trong thời gian tới, các hoạt động dinh dưỡng sẽ tập trung vào các giải pháp chính là duy trì và đẩy mạnh giáo dục truyền thông cộng đồng, chăm sóc bà mẹ mang thai và từng bước triển khai can thiệp sớm cho nữ thanh niên.
Bên cạnh đó, chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em có kế hoạch tập trung đẩy mạnh các hoạt động như: phục hồi dinh dưỡng bằng các sản phẩm phù hợp cho trẻ bị suy dinh dưỡng, bổ sung viên đa vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, bổ sung vitamin A mở rộng cho trẻ từ 6- 60 tháng tuổi và tẩy giun cho trẻ từ 24- 60 tháng tuổi đối với các xã trọng điểm về dinh dưỡng trong toàn quốc nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em một cách nhanh chóng và bền vững.