1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Việt Nam không còn là quốc gia giàu nước

(Dân trí) - Việt Nam sẽ thiếu hụt nguồn nước trầm trọng vào năm 2010; với mức phát triển dân số như hiện nay, tiến tới mỗi người dân sẽ chỉ còn trung bình hơn 8.900 m3 nước/năm. Hôm qua, nhân ngày “Nước thế giới” 22/3, Việt Nam chính thức bị loại khỏi danh sách những quốc gia giàu có về nước.

Theo số liệu của Trung tâm nghiên cứu Thủy văn và Tài nguyên nước, Việt Nam vốn có tài nguyên nước khá phong phú. Lượng nước sinh ra trung bình 2,5 triệu m3/km2/năm, đủ cung cấp cho dân số hiện nay với khoảng 10.400 m3/người/năm. Mức đảm bảo nước của ta gấp 8 lần so với mức đảm bảo trung bình toàn thế giới.

 

Tuy nhiên, các hoạt động xả thải bừa bãi và khai thác vô tội vạ của con người đã khiến nước mặt của nhiều con sông lớn ô nhiễm trầm trọng trong khi nguồn nước ngầm ngày càng suy giảm về chất và lượng. 

 

Đại diện Trung tâm nghiên cứu Thuỷ văn và Tài nguyên nước nhận định: “Sông Nhuệ, Thị Vải, Đồng Nai đang dần dần trở thành những con sông chết. Trong khi sông Hồng cạn kiệt một cách nguy hiểm vào vụ đông xuân, đang đe doạ nghiêm trọng chất lượng sống của cư dân ven sông”.

 

Năm 2007, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia và vùng lãnh thổ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng El-nino. Lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, mùa mưa kết thúc sớm, mực nước sông Hồng tại Hà Nội xuống mức thấp nhất trong vòng 100 năm qua. 

 

Theo dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sắp tới, tình trạng suy giảm nguồn nước, hạn hán, thiếu nước có thể xảy ra trên diện rộng. Thời gian tới, nước ta buộc phải đối mặt với nguy cơ khô hạn, khan hiếm nước trong khi nhu cầu về nước sẽ tăng khoảng 97%.

 

TS. Lê Bắc Huỳnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, cho biết: “Từ một quốc gia có tài nguyên nước dồi dào, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu trầm trọng nguồn nước sạch. 2/3 trong 80% dân số sống ở nông thôn bị các bệnh liên quan đến chất lượng nước. Nước không đảm bảo vệ sinh cũng làm 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng”.

 

Cùng nỗi lo về tài nguyên nước, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực từng nói: “Cuộc khủng hoảng nước hiện nay không hoàn toàn chỉ do có quá ít nước để đáp ứng các nhu cầu của người dân mà chính là cuộc khủng hoảng về quản lý nước. Sự quản lý tồi đến nỗi hàng triệu người đang phải chịu đựng một cách khốn khổ. Tại Việt Nam, chỉ có 60% dân số đang được dùng nước sạch”.

 

Theo TS. Huỳnh, để đối phó với tình trạng khô hạn, khan hiếm nước, Việt Nam cần:

 

- Giữ gìn, bảo vệ, bảo tồn nguồn nước, ứng xử hợp lý với tài nguyên nước. Sử dụng nước tiết kiệm và đa mục đích, không chờ “giời” ban nước, đừng để năm nào cũng “chạy hạn”.

 

- Xây dựng cơ chế bảo đảm điều hòa, phân bổ khách quan, hợp lý tài nguyên nước cho các nhu cầu sử dụng, bảo vệ dòng sông và bảo vệ môi trường. Ưu tiên cho cấp nước sinh hoạt,  cấp cho các nhu cầu thiết yếu khác và vì lợi ích chung.

 

- Quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông, quy hoạch phát triển nguồn nước với các biện pháp công trình và phi công trình, xây dựng cơ chế điều hòa, phân bổ nguồn nước, tăng cường phòng chống ô nhiễm… 

 

Hiền Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm