1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Việt Nam đã giảm trên 60% số người nghèo

Xoá đói giảm nghèo là một trong những thành công lớn nhất của quá trình phát triển xã hội ở Việt Nam từ đầu thập niên 1990 đến nay. Trong hơn 10 năm, số người ngèo đã giảm trêm 60%.

Số liệu này được nhấn mạnh trong Báo cáo "Việt Nam thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ" công bố sáng 16/9 tại Hà Nội.

 

Báo cáo nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam coi xoá đói giảm nghèo là một trong những mục tiêu quan trọng. Nỗ lực trong việc thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo từ những năm đầu thập kỷ 90 trở lại đây đã mang lại nhiều thành tựu đáng kể, được thế giới công nhận.

 

Hiện nay, tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc tế đã giảm mạnh từ 58,1% năm 1993 xuống còn 24,4% năm 2004 tương đương với 60% số hộ nghèo.

 

Như vậy, Việt Nam đã hoàn thành vượt mức giảm một nửa số người nghèo và một nửa số dân bị đói của mục tiêu thiên niên kỷ thứ nhất (MDG 1).

 

Mặc dù được xem là về đích sớm, nhưng Chính phủ Việt Nam đã thừa nhận thành tựu xoá đói giảm nghèo vẫn chưa vững chắc. Việt Nam vẫn là một nước nghèo, với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2004 là 560 USD, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

 

Đặc biệt, số hộ có mức thu nhập bình quân đầu người nằm ngay cận trên của chuẩn nghèo còn khá nhiều và nguy cơ bị tổn thương của các hộ này đối với những đột biến bất lợi còn lớn và khả năng tái nghèo còn cao.

 

Tỷ lệ đói nghèo ở nông thôn, trung du, miền núi còn cao, tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn. Các số liệu trong báo cáo cho thấy 4 vùng là Tây Bắc, Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Bắc bộ vẫn luôn nghèo nhất Việt Nam. Độ dãn cách về trình độ phát triển kinh tế giữa các vùng ngày càng gia tăng.

 

Báo cáo cũng cảnh báo sự chênh lệch giàu nghèo đang có xu hướng gia tăng, nhất là giữa vùng nông thôn và thành thị, miền núi và miền xuôi.

 

Nếu như mức chênh lệch giữa thành thị và nông thôn năm 1993 là 1,8 lần  thì đến năm 2002 đã tăng lên 2,4 lần; tương ứng con số về chênh lệch chi tiêu bình quân đầu người giữa vùng giàu nhất và vùng nghèo nhất là 1,9 lần và 2,4 lần.

 

Hiện nay, ở Việt Nam đang xuất hiện một nhóm nghèo mới. Đó là do quá trình đô thị hoá khiến người lao động mất đất sản xuất, không kịp chuyển đổi nghề nghiệp và di dân ra đô thị.

 

Họ không có việc làm ổn định, thu nhập thấp, không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế giáo dục, đối mặt với nhiều nguy cơ và tệ nạn xã hội và khả năng rơi vào đói nghèo của nhóm dân cư này là rất cao.

 

Theo VietNamNet