Việt Nam cùng các nước APEC ứng phó với lũ lụt bất thường

(Dân trí) - Sáng nay 28/7, tại Đà Nẵng, Hội thảo quốc tế APEC về “Tình trạng lũ lụt bất thường trong khu vực - tầm nhìn mới cho các nền kinh tế thành viên APEC” đã chính thức khai mạc.

Hội thảo do Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức nhằm triển khai sáng kiến của Việt Nam về tăng cường hợp tác APEC trong lĩnh vực phòng chống và ứng phó với thiên tai, lũ lụt.
 
Việt Nam cùng các nước APEC ứng phó với lũ lụt bất thường - 1
Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp ở Việt Nam nói riêng và các nước thành viên kinh tế APEC nói chung. Ảnh: Cơn lũ lịch sử năm 2009 làm ngập nặng một phần TP Đà Nẵng.

Tham dự cuộc họp có sự tham gia của các quan chức cấp cao và các chuyên gia đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, Chủ tịch nhóm công tác của APCE về đối phó với tình trạng khẩn cấp, đại diện cơ quan Phát triển Liên hiệp quốc, Trung tâm thiên tai Thái Bình Dương…

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học dẫn đầu tham dự cùng lãnh đạo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh thành miền Trung (gồm Quảng Trị, TT-Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Ninh Thuận).

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã tập trung đánh giá tình trạng lũ lụt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong những năm gần đây, chia sẻ những kinh nghiệm về phòng chống lụt bão, đồng thời trao đổi về các biện pháp tăng cường phối hợp trong APEC.

Các đại biểu đến từ Úc, Hoa Kỳ, Indonesia… và các thành viên khác đã chia sẻ những kinh nghiệm về công tác dự báo, ứng phó, giám sát và phục hồi sau bão cũng như những công nghệ mới nhằm giảm thiểu tác động của lũ lụt trên quy mô lớn.

Đặc biệt, Nhật Bản đã thông tin cho các đại biểu về kinh nghiệm trong việc thiết lập bản đồ lũ lụt và các bài học trong công tác khắc phục hậu quả sau thảm họa động đất sóng thần vào tháng 3 vừa qua.

Chia sẻ những nỗ lực trong phòng chống thiên tai tại các nước thành viên APEC, Đại sứ Muhamad Noor Yacob, Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam.

Ông cho biết, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu với khả năng gánh chịu đến 70% các thảm họa tự nhiên trên thế giới. Trong khi đó, khu vực đóng góp đến 52% tỷ lệ thương mại thế giới.

Đại sứ khẳng định, phòng chống và đối phó với thiên tai là một trong những ưu tiên hàng đầu của APEC. Theo đó trong thời gian tới APEC sẽ tiếp tục dành ngân sách để hỗ trợ cho các dự án hợp tác, xây dựng năng lực về đối phó với thiên tai và các tình trạng khẩn cấp.

“Chính vì vậy, các nước APEC cần có thái độ tích cực hơn trong việc ứng phó với thảm họa thiên nhiên. Chúng ta sẽ tập trung các vấn đề về khả năng cảnh báo, ứng phó với các thảm họa thiên nhiên với chủ trương an ninh con người là vấn đề ưu tiên trên hết, tiếp đó là đảm bảo các yếu tố tăng trưởng an toàn, bền vững trong khu vực”, Đại sứ Muhamad phát biểu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học nhấn mạnh, Việt Nam là nước chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, thường xuyên phải hứng chịu lụt bão với cường độ cao, mức độ lớn. Do đó, đây là cơ hội để các nhà quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam trao đổi và học hỏi kinh nghiệm trong việc ứng phó với những diễn biến thất thường của thời tiết, thiên tai; đồng thời nâng cao hoạt động hợp tác giữa các thành viên APEC trong lĩnh vực này.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hàng năm Việt Nam hứng chịu trung bình từ 6-7 cơn bão, hàng chục trận lũ quét. Chỉ tính riêng trong 10 năm gần đây, mỗi năm thiên tai đã cướp đi sinh mạng của khoảng 450 người, trong đó lũ lụt làm 270 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước khoảng 1,2-1,5 % GDP.

Bên cạnh đó, trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam được dự báo là một trong nhóm nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng nước biển dâng. Với kịch bản nước biển dâng xấp xỉ 1m vào năm 2100, Việt Nam sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp. Đặc biệt khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất với thời gian ngập úng kéo dài từ 4-5 tháng, diện tích ngập trong nước khoảng 40%. Tiếp đến là TP Hồ Chí Minh với 20% diện tích có nguy cơ ngập úng.

 Công Bính