Việt Nam có nên tham gia “Giờ trái đất”?
(Dân trí) - Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ biến đổi khí hậu nghiêm trọng. Tình trạng thiếu điện cũng đã được ngành điện lực thông báo từ lâu. Vấn đề tiết kiệm năng lượng đã được nhắc đến nhiều nhưng chưa có biện pháp nào thật sự hiệu quả.
Có thể tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng
Mới đây, 35 thành phố trên thế giới đã hưởng ứng chương trình mang tên Earth Hour (Giờ trái đất). Chương trình được tổ chức hàng năm nhằm mục đích đề cao sự nhận thức đối với những đe dọa về thay đổi khí hậu. Với 1 giờ hưởng ứng, Thành phố Sydney- Australia đã tiết kiệm được hơn 10% lượng điện tiêu thụ trong khoảng thời gian đó.
Nhiều nhà nghiên cứu xã hội cho rằng, đây là một gợi ý rất thích hợp đối với Việt Nam - một trong những quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu và thiếu điện vào mỗi mùa khô.
Tuy nhiên, tại một buổi hội thảo liên quan đến vấn đề tiết kiệm năng lượng do Bộ Công thương vừa tổ chức, ông Nguyễn Đình Hiệp, Chánh Văn phòng Tiết kiệm năng lượng thừa nhận: Trong nhiều năm trở lại đây, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm đến vấn đề tiết kiệm năng lượng và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, theo phân tích của các nhà chuyên môn, chính sách và các chuyên gia nước ngoài, hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng hiện nay còn chưa đưa ra được những cơ chế tài chính khuyến khích rõ ràng và các hình thức chế tài xử phạt đủ mạnh để phát triển trên diện rộng các hoạt động tiết kiệm năng lượng. Chính vì vậy, hiện tượng lãng phí điện, đặc biệt là ở các khu vực sản xuất vẫn đang tiếp tục diễn ra.
EVN còn cho hay, khả năng thiếu điện trong mùa khô năm nay sẽ nghiêm trọng hơn năm ngoái bởi tăng trưởng trong công nghiệp đạt 17% nhưng tăng trưởng điện của ngành này lại vượt lên đên 19%.
Theo khảo sát, riêng tại Thành phố Hà Nội có đến cả trăm tòa cao tầng, trong đó có những khách sạn cao cấp từ 3-5 sao, hiện đang sử dụng điện năng vượt từ 20-30%.
Để giải quyết vấn đề này, hiện nay các cơ quan chức năng của Việt Nam với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia nước ngoài đang khẩn trương tiến hành soạn thảo Luật tiết kiệm năng lượng.
Ít dùng điện - giảm nhiệt độ
Ông Nguyễn Thành Lam, Cục Bảo vệ môi trường, cho biết tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam mỗi năm khoảng 120,8 triệu tấn. Khí nhà kính của Việt Nam gồm bốn loại chủ yếu: CO2, CH4, NO2, NO và phát thải chủ yếu do các hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, giao thông. Trong đó, giao thông chiếm tới 85% khí CO; công nghiệp chiếm 95% khí NO2... Với đà phát triển như hiện nay, ông Lam cho rằng lượng phát thải khí nhà kính của nước ta sẽ còn tăng mạnh. Theo đó hiện tượng biến đổi của khí hậu sẽ đến sớm hơn cả dự báo.
GS. Phạm Duy Hiển (Bộ NN&PTNT) cho hay: Trong nhiều năm trở lại đây cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp một lượng lớn khí gây hiệu ứng nhà kính như: CO2, Metan, NO2, CFC…đã khiến môi trường thiên nhiên thay đổi đáng kể. Những thay đổi đó đã nhìn thấy rõ tại Việt Nam: lũ lụt, hạn hán xảy ra trầm trọng liên tục trong hai năm gần đây, một đợt rét kéo dài trong mùa đông vừa đi qua, để lại nhiều thiệt hại về của cải và vật chất...
Theo GS Hiển, mỗi người chỉ bằng những hành động nhỏ như: trực tiếp tắt màn hình TV trong đêm (có thể tiết kiệm điện trong 2- 3 giờ xem) hay tắt tất cả các thiết bị điện khi không dùng đến sẽ góp phần tiết kiệm điện và giảm thiểu phát thải khí CO2. Cùng cách đó, mỗi nhà máy sản xuất có một cải tiến nhằm giảm thiểu điện năng tiêu thụ, sẽ giảm được hàng trăm triệu kWh/năm.
Rất nhiều nhà khoa học Việt Nam khác cũng cho rằng đã đến lúc vấn đề tiết kiệm năng lượng phải được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt là ngành Công nghiệp - Một trong những hành động có tính chất thuyết phục mạnh mẽ là chúng ta nên hưởng ứng chương trình “Giờ trái đất” vào năm sau.
P. Thanh