1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Học sinh nông thôn liêu xiêu vì mất điện

(Dân trí) - Đến gần một tháng nay, cứ 2h sáng, khi chuông đồng hồ báo thức reo inh ỏi là chị Thiệp (Nguyệt Đức, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) cùng chồng lại hò la, “dựng” lần lượt 4 đứa con dậy để bọn trẻ học bài cho kịp sáng tới trường.

Sống chung với… mất điện

Không riêng gì nhà chị mà nhiều gia đình có con đang đi học tại thôn Đinh Xá, xã Nguyệt Đức cũng phải gọi con dậy học vào cái giờ oái ăm đó, khi mà hầu hết mọi người đều đang say giấc nồng.

Chẳng là gần 1 tháng nay, thôn chị bị cắt điện cả ngày, mãi tận 10h tối mới có và đến 4h sáng lại mất điện. Vì thế, không chỉ việc học, mà nhiều công việc khác vốn làm ban ngày giờ cũng phải chuyển về đêm.

Với những học sinh lớp lớn hơn còn đỡ, vì chúng có thể thức đợi đến khi có điện rồi học bài 2 - 3 tiếng xong đi ngủ. Hay nhiều học sinh dù mất điện vẫn quyết học bài cho xong để có giấc ngủ tròn đành học bài trong ánh nến đỏ oạch, vừa gãi, đập vì muỗi đốt. Sáng hôm sau, tay, chân nổi đầy nốt đỏ vì bị muỗi hỏi thăm.

Riêng học sinh tiểu học, phổ thông, ở nông thôn vốn có thói quen ngủ sớm, nên việc đợi điện để học rất khó. Nhìn con ngồi vạ vật trong ánh sáng leo lét của cây đèn dầu, thỉnh thoảng lại giật mình đập muỗi đen đét… chờ có điện để học thì chị không đành, nên cho chúng ngủ đến 2h sáng là bị dựng dậy học bài.

“Khổ, đang ngon giấc, đến người lớn dậy vào giờ đó còn khó nữa là bọn trẻ. Cứ dựng được đứa này ngồi dậy thì đứa kia lại đổ kềnh xuống giường. Làm đủ mọi cách, gọi to, mắng mỏ, rồi lấy khăn mặt dấp nước mát rửa… cũng phải đến nửa tiếng đồng hồ chúng mới ngồi được vào bàn học mà vẫn cứ ngáp ngắn ngáp dài”, chị Thiệp than thở.

Khi các con đã ngồi vào bàn học, chồng chị vội vàng chạy đi bật máy bơm đầy bể nước, tranh thủ rửa chuồng lợn, bơm đầy thùng nước cho vịt… Còn chị cũng vội vàng quảy đôi quang gánh thóc đi xát gạo. Đến nơi cũng gần 3h sáng mà nhiều khi vẫn phải xếp hàng vì cả làng, với hàng trăm hộ dân mà chỉ có vài ba máy xát. Chưa kể, những máy này còn phục vụ những người làm “hàng xáo”, mỗi lần xát vài tạ thóc lấy gạo đem bán.

Xong được hai yến gạo về nhà, trời cũng đã tang tảng sáng. Các con chị, đứa thì đã chui vào màn ngủ tiếp, đứa thì ngủ gục ngay trên mặt bàn, để mặc cho muỗi đốt…

Mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn vì mất điện!

Mong lịch cắt hợp lý hơn

Nhiều người dân phàn nàn, biết rằng cắt điện luân phiên là khó tránh khỏi do thiếu điện. Nhưng sao các vị lãnh đạo ngành điện không bố trí được những giờ cắt hợp lý hơn để không ảnh hưởng quá nhiều tới đời sống sinh hoạt của người dân.

“Ban ngày họ có thể cắt thoải mái, không ảnh hưởng gì. Nhưng chí ít ra, 8h tối cho điện khoảng 2 - 3 tiếng để bọn trẻ học bài, chúng tôi bơm nước sinh hoạt… rồi cắt luôn cũng chẳng sao. Đằng này, thật khổ bọn trẻ. Thời chúng tôi học đèn dầu mãi cũng quen, còn bọn chúng, châm vài ba cây nến cũng bị nhức mắt vì đã quen với ánh sáng điện”, chị Thiệp nói.

Không chỉ mất điện, không khí những ngày này ẩm thấp, ở nông thôn, vườn tược, trâu bò, lợn gà nhiều nên muỗi càng sinh sản mạnh. Cứ đến tối là bay vo vo, mọi sinh hoạt từ ăn uống, học hành nhiều khi đành chui vào màn để tránh muỗi.

Dù rất muốn dành thời gian cho con học vào ban ngày, nhưng với chị Thiệp cũng như nhiều người nông dân khác, cố gắng để con đi học một buổi đã rất vất vả, vì thế, sau buổi học, các em đều phải phụ giúp cha mẹ việc đồng áng, gia đình.

“Năm nay em thi đại học, đã là năm thứ 2 rồi, em lo lắm. Không như các môn xã hội, có thể chỉ cầm quyển sách đọc rồi ghi nhớ. Với ban tự nhiên, mỗi lần học đều cần giấy, bút, thước, máy tính lên không thể tranh thủ học trong một chốc lát. Vì thế, ban ngày hầu như em không thể học do vẫn là lao động chính cùng bố mẹ. Đêm đến, đành cặm cụi học trong màn tránh muỗi”, em Hương con chị Thiệp nói.

Hồng Hải