1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Một mùa hè không mất điện - Lời nói dối tháng 4!

(Dân trí) - Một nghiên cứu của ĐH Viên (Áo) kết luận: "Nói dối là phần chủ yếu để sinh tồn trong cuộc sống hàng ngày! Vì thế mới tồn tại ngày nói dối". Đối với người dân Việt Nam, chủ đề ngày cá tháng 4 năm nay có lẽ là: Một mùa hè không mất điện!

Đã mấy hôm nay, bà con buôn bán ở chợ Ngã Tư Sở phập phồng trong cảnh điện sẽ mất bất kỳ lúc nào. Chợ Ngã Tư Sở là một trong những khu chợ cổ của Hà Nội và đã khá xuống cấp. Nếu mất điện thì người mua và người bán chỉ còn biết mò mẫm trong cảnh tối như bưng.

Dù vậy, họ cũng không dám bỏ một buổi chợ nào vì bỏ là mất tiến, tiền thuê kiôt mỗi tháng hàng triệu đồng, mỗi ngày không bán là đã mất hàng chục nghìn đồng nên tối tăm mấy cũng không ai dám bỏ. Vào buổi trưa ngày 30/3, khi ánh đèn flash của PV loé lên chụp cảnh chợ, nhiều người bán hàng đã reo vui lên như trẻ con: A, có điện rồi!

Mất điện, công việc quen thuộc của những người bán hàng là dò dẫm đan len theo quán tính. Một số khác thì tụ tập chơi bài dưới ánh nến. Sự sầm uất của cả một khu chợ vốn rất đông đúc của Hà Nội đã biến mất theo ánh điện.
 
Một mùa hè không mất điện - Lời nói dối tháng 4! - 1

Người bán hàng ở chợ Ngã Tư Sở cặm cụi đan len chờ có điện

Còn tại nhà bà Nguyên, ngách 210 Hoàng Văn Thái (Hà Nội) thì đúng vào lúc bữa cơm chiều cuối tuần được bê lên, bóng đèn phụt tắt. Trời cuối xuân nồm ẩm ướt, muỗi bay như vãi trấu, bay cả vào miệng, vào mũi mỗi khi và cơm. “Mất lúc nào không mất, lại nhè đúng giờ ăn cơm! Trời đánh còn tránh bữa ăn mà ngành điện cũng không tha!”- Bà Nguyên phàn nàn mãi như vậy.

Theo giải thích của một cán bộ điện lực thì phải cắt điện vào giờ cao điểm buổi tối (18h đến 22h) thì mới tiết kiệm được nhều hơn vì giờ đó cũng là giờ người dân hay sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện nhất như nồi cơm, máy sấy, bàn là, bình nóng lạnh, máy giặt… !

Mất điện đã trở thành bài ca, “ca” hoài trong vài năm nay của người dân Việt Nam. Như năm 2007, một năm được đánh giá là năm khốc liệt về tình trạng thiếu điện. Khi đó việc thiếu điện theo lý giải của lãnh đạo Bộ Công thương là do phụ tải sản xuất ở mức cao 15- 16%, thời tiết thì El Nino xuất hiện cùng với thiếu nước từ đầu nguồn...

Mặt khác, tình trạng mất điện khó được cải thiện vì cho đến nay ngành điện vẫn chưa phải là ngành hấp dẫn về đầu tư vì giá điện chưa đảm bảo cho nhà đầu tư có lãi hợp lý. Có nhiều nhà đầu tư muốn tham gia xây dựng dự án nhà máy điện, nhưng lại gặp khó khăn khi đàm phán giá điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Giải pháp duy nhất được đánh giá là khả thi của ngành điện lực là... kêu gọi sự tiết kiệm điện và ngành điện lực ra tay cắt điện không “thương tiếc” nhưng vẫn mong người dân thông cảm vì việc cắt điện cũng giống như việc giải toả nút giao thông, mỗi người nhường nhau một tí thì thông, còn không thì cứ đứng đó thêm hàng tiếng!

Năm 2008 và cả nhiều năm sau nữa, “cơn khát” điện của người dân sẽ còn tiếp tục chưa biết đến khi nào mới thôi khi hệ thống điện Việt Nam luôn trong tình trạng "ăn đong" và phụ thuộc nhiều vào chuyện... thời tiết khi ngành điện luôn phải... dài cổ chờ mưa! Các nguồn điện mới, hy vọng mới của người dân thì liên tục bị chậm tiến độ hoạt động. Cung - cầu điện vì thế ngày càng lên cao!

Tháng 3 vừa qua, Hà Nội đã thiếu khoảng 10 triệu kwh, trong tháng 4, lượng điện năng thiếu hụt cũng sẽ tương đương. Hiện, mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ từ 14 đến 14,5 triệu kwh. Theo kế hoạch của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, năm nay Hà Nội phải tiết kiệm khoảng 81 triệu kwh điện... Một mùa hè nắng nóng với sự hoạt động hết công suất của các loại máy phát điện, quạt chạy pin...là điều đã được báo trước.

Và như vậy, cùng với lời nói dối “một mùa hè đủ đầy điện” trong ngày cá tháng 4 năm nay là sẽ là một loạt lời "nói thật" kèm theo. Đó là: Ách tắc giao thông sẽ càng ngày càng càng ách tắc khi các nút giao thông rối loạn vì không có đèn; Số người nhập viện khoa Tai- Mũi- Họng sẽ ngày một tăng cao vì họ bị quá tải bới tiếng ồn từ những... máy phát điện đủ loại.
 
Các làng nón truyền thống như làng nón Chuông ở Thanh Oai (Hà Tây) hay làng nón Tây Hồ, làng nón Đồng Di; làng nón Tây Hồ; làng nón La ỷ; làng nón Nam Phổ; làng nón Phú Cam; làng nón Đốc Sơ.. (Huế) có lẽ nên chuyển sang đan quạt nan. Quạt nan trong mùa hè này chắc sẽ tiếp tục cháy hàng lắm!

Lê Châu