1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Việt Nam có hơn 96 triệu người, đông dân thứ 15 thế giới

(Dân trí) - Tính đến tháng 4/2019, tổng số dân của Việt Nam là hơn 96,2 triệu người. Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam có hơn 96 triệu người, đông dân thứ 15 thế giới - 1

Việt Nam có dân số hơn 96 triệu người (Ảnh minh họa: Toàn Vũ)

Sáng nay (11/7), tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương chủ trì hội nghị.

Ngày 26/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 772/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, đây là cuộc Tổng điều tra dân số lần thứ 5 tại Việt Nam. Thông tin từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 phục vụ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và giám sát các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Thời gian tiến hành điều tra từ ngày 1/4/2019 - 25/4/2019. Sau hơn hai tháng kết thúc triển khai thu thập thông tin tại địa bàn, đến nay công tác xử lý và làm sạch số liệu đã hoàn thành, sớm hơn so với cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 khoảng một năm.

Kết quả tổng điều tra dân số được công bố: Dân số Việt Nam có 96,2 triệu người, trong đó dân số nam là hơn 47,8 triệu người (chiếm 49,8%) và nữ là hơn 48,3 triệu người (chiếm 50,2%). Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 3 khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines). So với năm 2009, vị trí xếp hạng về quy mô dân số của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á không thay đổi và giảm hai bậc so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Sau 10 năm, kể từ năm 2009 đến nay, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 10 năm trước (1,18%/năm).

Tỷ số giới tính là 99,1 nam/100 nữ, trong đó khu vực thành thị là 96,5 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 100,5 nam/100 nữ. Tỷ số giới tính tăng liên tục trong những năm qua nhưng luôn thấp hơn 100 trên phạm vi toàn quốc.

Việt Nam có hơn 96 triệu người, đông dân thứ 15 thế giới - 2
Hội nghị công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019

Kết quả Tổng điều tra 2019 cũng cho thấy Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Năm 2019, mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, tương ứng là 2.398 người/km2 và 4.363 người/km2.

Kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, trải qua 10 năm, quy mô dân số nước ta tăng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn 10 năm trước. Trình độ dân trí đã được cải thiện, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết tăng mạnh; hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông đang được đến trường, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường giảm mạnh trong thập kỷ qua. Việt Nam đã rất thành công trong nỗ lực tăng cường bình đẳng giới bao gồm cả trong lĩnh vực giáo dục trong nhiều năm qua.

Điều kiện nhà ở của các hộ dân cư đã được cải thiện rõ rệt đặc biệt ở khu vực thành thị. Hầu hết các hộ dân cư đều có nhà ở và chủ yếu sống trong các loại nhà kiên cố và bán kiên cố; diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng lên đáng kể, sát với mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Việt Nam có hơn 96 triệu người, đông dân thứ 15 thế giới - 3
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở là một trong 3 cuộc tổng điều tra lớn nhất theo quy định của Luật Thống kê và chỉ được tiến hành 10 năm 1 lần. Đây là cuộc tổng điều tra lần đầu tiên áp dụng triệt để và rộng rãi công nghệ thông tin.

Phó Thủ tướng cho rằng, đây mới chỉ là kết quả sơ bộ bước đầu, con số thống kê này còn phải thể hiện trong báo cáo phân tích, đánh giá chi tiết để đạt được các mục tiêu về sử dụng số liệu cho hoạch định chiến lược, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách. Ngày 20/12  - ngày Dân số Việt Nam, sẽ tổ chức hội nghị công bố kết quả chính thức của tổng điều tra dân số và nhà ở. Số liệu này càng có sớm, càng có phục vụ trực tiếp và kịp thời cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

“Chúng ta phải phân tích, nhất là cơ cấu về dân số, rất nhiều chuyên gia đã cảnh báo chúng ta là đang ở thời kỳ dân số vàng, nhưng tốc độ già hóa lại thuộc loại nhanh. Tổng điều tra lần này phải có chứng thực bằng con số cụ thể về dân số và phân tích xu hướng dân số để có đối sách, chính sách kịp thời. Bên cạnh việc tránh bẫy thu nhập trung bình thì phải tận dụng cơ hội của dân số vàng và phải có thể chế chính sách kịp thời để khắc phục được chuyện chưa giàu đã già, đặc biệt phải có chính sách như thế nào với người yếu thế, những người có thu nhập thấp.” - Phó Thủ tướng cho biết và nhấn mạnh thông điệp của Tổng điều tra dân số và nhà ở lần này là “không để ai bị bỏ lại ở phía sau”. 

Châu Như Quỳnh