Việt Nam cần sự lãnh đạo mạnh mẽ để vượt qua các loại "bẫy"
(Dân trí) - Dân số sụt giảm, năng suất lao động thấp, bẫy thu nhập trung bình, hết thời nhân công giá rẻ... là những cảnh báo được các chuyên gia nêu tại hội thảo tầm nhìn Việt Nam đến năm 2045.
Ngày 21/3, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức hội thảo "Việt Nam: 40 năm đổi mới và tầm nhìn 2045".
Với thực trạng Việt Nam là nước đang phát triển, đứng trước nguy cơ rơi vào "bẫy" thu nhập trung bình, hội thảo bàn về cách thức đạt được mục tiêu mà Trung ương Đảng đã xác định: Vào năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam thành nước phát triển, thu nhập cao.
"Học cả thành công và những bài học thất bại"
"Chúng tôi muốn nghe ý kiến từ chuyên gia quốc tế đánh giá về tiến trình này như thế nào, để từ đó có cái nhìn khách quan nhất, thực chất nhất về các vấn đề đặt ra", GS TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phát biểu.
Ông cho biết ban tổ chức mang tinh thần rất cầu thị để lắng nghe ý kiến của chuyên gia, kể cả đó là bất cập hạn chế, những điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Có nhiều bài toán hóc búa cần lời giải như làm thế nào để thay đổi vị trí trong chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu; cách vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nhiều loại "bẫy" khác như lao động giá rẻ, năng suất lao động thấp, dân số sụt giảm vàcác vấn đề về xã hội, môi trường...
"Chúng tôi học hỏi các bài học thành công, nhưng đồng thời cũng học cả những bài học thất bại để mình không đi theo vết xe đổ ấy", Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp từ năm 2008; quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 35 trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới...
"Từ một nền kinh tế đóng cửa, khép kín, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 700 tỷ USD, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 23 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay", ông Thắng thông tin.
Dù đạt nhiều thành tựu, theo nhận định chung, chúng ta cũng phải "trả giá" khi môi trường thiên nhiên bị suy giảm, phát thải cao, kinh tế "năm nào cũng tăng trưởng" nhưng tốc độ "rụt rè", không đột phá.
Phân tích hệ thống quản trị công ở Việt Nam qua 40 năm đổi mới, GS. Trần Ngọc Anh (Học giả quốc tế, Đại học Indiana, Mỹ) kiến nghị phải thu hút được đội ngũ có năng lực.
Theo ông, cải cách hệ thống để tạo ra động lực làm việc và cải cách pháp lý để tạo ra không gian làm việc.
Ông cho rằng Đề án 40 năm đổi mới giúp đưa ra những đề xuất để cho Đảng có thể cân nhắc và đưa vào chiến lược cho nhiệm kỳ tới.
"Cần sự lãnh đạo mạnh mẽ để thay đổi"
Chia sẻ tại hội thảo, ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam, nhận định thành phần quan trọng nhất trong "công thức thành công" của Việt Nam là ý chí chính trị mạnh mẽ, và Hội thảo này cũng cho thấy ý chí đó của Đảng, Chính phủ Việt Nam.
Ông cho biết Australia đang nỗ lực hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn 2045. Quan hệ hai nước chưa bao giờ bền chặt như thời điểm này và sẽ tiếp tục phát triển dựa trên niềm tin như đã nêu trong tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Australia - Việt Nam lên Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện.
"Để thay đổi, cần có sự lãnh đạo cực kỳ mạnh mẽ. Chúng ta mới đang ở bước khởi đầu cho một lộ trình mới mà thôi", ông Goledzinowski chia sẻ.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Đào Ngọc Báu (Phó viện trưởng phụ trách Viện quan hệ Quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), chỉ rõ các xu hướng toàn cầu và cơ hội lớn đối với Việt Nam.
Đầu tiên là xu hướng phát triển của công nghệ. Theo ông Báu, nền kinh tế toàn cầu hiện nay dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo thay cho tài nguyên, vốn và môi trường, đặc biệt, trí tuệ nhân tạo sẽ tạo lợi thế cho các nền kinh tế mới nổi đi tắt đón đầu trong bối cảnh lợi thế nguồn lao động rẻ không còn nữa.
Xu hướng thứ hai là biến đổi khí hậu toàn cầu, nên nhiều quốc gia thúc đẩy chuyển dịch sang kinh tế xanh.
Ba là xu hướng già hóa dân số.
Bốn là xu hướng toàn cầu hóa mới - toàn cầu hóa 4.0. Theo đó, chủ nghĩa đa phương không còn chi phối kinh tế toàn cầu mà thay bằng chủ nghĩa đa đối tác liên quan. Cùng với đó, xu hướng mới là máy móc sẽ thay thế con người nhanh hơn, đòi hỏi sự thích nghi của xã hội loài người đối với thay đổi do máy móc tạo ra.
Trước các xu hướng lớn trong bối cảnh phát triển toàn cầu, có 3 cơ hội rất lớn đối với Việt Nam. Cơ hội đầu tiên là đổi mới tư duy, nhận thức mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cơ hội thứ hai là giúp Việt Nam hình thành công nghiệp kết nối và thiết lập hạ tầng số.
Cơ hội thứ ba là Việt Nam cũng có thể tận dụng lợi thế địa chiến lược của mình để tạo thành quốc gia cầu nối, "vùng đệm", "điểm cân bằng" trong quan hệ chính trị, kinh tế quốc tế và khu vực.
Tuy nhiên, theo ông Báu, Việt Nam cũng không tránh khỏi nhiều thách thức mới khi FTA thế hệ mới có thể trở thành "bẫy hội nhập", lao động giá rẻ không còn là lợi thế do quá trình tự động hóa sản xuất và sức ép từ các nước lớn đòi hỏi nước ta phải khôn khéo để duy trì quan hệ cân bằng.
Trong khoảng 4 giờ đồng hồ, các chuyên gia đã trình bày nghiên cứu, góc nhìn của mình về 6 chủ đề trọng tâm trong tiến trình phát triển của Việt Nam, gồm: Các xu hướng lớn trên toàn cầu; Cải cách hệ thống quản trị công; Vượt bẫy thu nhập trung bình; Cải cách lĩnh vực tài chính; Đô thị hóa và Phát triển bền vững.
Các nội dung trình bày được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổng hợp, phục vụ cho việc xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết 40 năm đổi mới và dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIV.