Việt Nam cần dùng “tam công chiến pháp” làm đối sách với Trung Quốc
(Dân trí) - Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị dùng công luận, công khai, công pháp để đối phó với hành động vi phạm của Trung Quốc trên Biển Đông. Đại biểu Nguyễn Anh Trí muốn Chính phủ chủ động hướng dẫn người dân bảo vệ chủ quyền Biển Đông đúng cách và hiệu quả…
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của Quốc hội chiều 31/10, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) phân tích, Trung Quốc lâu nay không từ bỏ âm mưu và thủ đoạn phi pháp để biến Biển Đông thành “ao nhà”.
Theo ông, Trung Quốc đã áp dụng “tam chủng chiến pháp” trên các mặt trận tâm lý, truyền thông và pháp lý. Họ rao giảng cho các thế hệ học sinh Trung Quốc một cách sai trái rằng “Biển Đông là của Trung Quốc”, đồng thời rêu rao điều này trên các diễn đàn.
Trung Quốc cũng tiến hành nhiều hành động trên thực địa và diễn đạt lại Luật biển quốc tế theo cách của họ để bao biện cho những hành động leo thang trên Biển Đông.
Trước bối cảnh đó, đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm, Việt Nam phải có “tam công chiến pháp” làm đối sách với Trung Quốc. Đó là công luận, công khai và công pháp.
Công luận bao gồm việc phải đẩy mạnh tuyên truyền, củng cố hồ sơ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định với thế giới về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Đồng thời, công khai hóa các hoạt động phi pháp của Trung Quốc cho thế giới và người dân trong nước biết.
Còn công pháp là sử dụng tối đa các cơ sở pháp lý, từ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 cho tới cơ sở pháp lý mà Luật Biển Việt Nam đã quy định.
Ông Vân nhấn mạnh, về lâu dài Việt Nam phải có đối sách căn bản, phòng thủ chặt chẽ để ngăn chặn sự lấn tới và vi phạm trắng trợn của Trung Quốc trên Biển Đông.
Cũng tham gia ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhận xét, trong lĩnh vực hoạt động đối ngoại, báo cáo của Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Quốc hội cho thấy, những tháng vừa qua, tình hình Biển Đông diễn biến rất phức tạp.
Đại biểu đề cập vụ việc đặc biệt là nhóm tàu HD8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép.
“Được biết các nỗ lực chính trị, nỗ lực ngoại giao của các lực lượng trên biển của Việt Nam đã giành được những kết quả quan trọng. Các cơ quan đã cơ bản kiên trì đấu tranh và vận động để Trung Quốc rút ra khỏi vùng biển Việt Nam, giữ vững được môi trường hòa bình ổn định và bảo vệ được chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông, đặc biệt là thực hiện được các hoạt động dầu khí bình thường của nhà nước” – ông Trí đánh giá, những hoạt động đó đã được quốc tế ủng hộ đồng tình và thừa nhận, khiến cử tri phấn khởi, tin tưởng vào đường lối giải quyết vấn đề Biển Đông của Đảng, Nhà nước.
Đại biểu nêu nguyện vọng của cử tri mong Chính phủ làm tốt hơn nữa việc chủ động cung cấp thông tin với các hình thức khác nhau để người dân yên tâm. Việc đó cũng giúp nhân dân tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền Biển Đông đúng cách và hiệu quả.
Phương Thảo