Việt kiều về quê cai nghiện
Trung tâm cai nghiện ma túy Thanh Đa là một trong những nơi có số lượng Việt kiều về cai nghiện khá đông, từ ngày thành lập đến nay có khoảng 30 người, đa số họ là những người trẻ tuổi, xa quê hương lâu ngày, có lối sống hiện đại.
Hồng Trung, cô bé có nét mặt thanh tú, đôi mắt mở to như chưa vướng bụi trần, nhưng Trung đã sống chung với ma túy từ lâu.
Năm 14 tuổi, Trung phải xa mẹ để sang định cư tại Canada cùng bà ngoại và hai người cậu ruột. Khi kể về gia đình mình, giọng Trung chợt khựng lại.
Đó là một quá khứ đau buồn đối với Trung mỗi khi phải nhắc lại nó. Khi chào đời và cả sau này lớn lên, Trung không biết bố mình là ai. Gặng hỏi mẹ cũng không nói, chỉ nghe bà ngoại kể lại rằng khi Trung được hai tháng tuổi, bố đã bỏ mẹ để về với người vợ lớn, từ đó không có tin tức gì. Mẹ của Trung phải lặn lội lên tận biên giới Campuchia làm ăn buôn bán. Những năm tháng sống cơ cực ở đất Sài Gòn vẫn luôn tái hiện trong ký ức của cô bé này.
Qua Canada, Trung được đi học và học hết lớp 12. 18 tuổi, Trung phải lăn lộn trên đất khách quê người để kiếm tiền tự nuôi sống bản thân. Trung làm rất nhiều công việc khác nhau nhưng từ khi đến làm ở một vũ trường thì cô mới bắt đầu nghiện.
Trải qua vài mối tình rồi sống chung cùng một anh chàng người Việt quốc tịch Canada, bị anh này bỏ rơi, buồn chán, Trung lao vào mối tình khác. Lần này cô quen một anh chàng bán thuốc lắc trong vũ trường, cùng sống chung, cùng hút, cùng lắc, Trung bắt đầu nghiện từ đó.
Sau 5 tháng nghiện, số tiền ra đi vì ma túy cũng khá nhiều, cô quyết định về Việt Nam để cách ly với môi trường đầy cám dỗ bên đó. Mới bước chân xuống sân bay, người đầu tiên Trung gọi điện thoại không phải mẹ mà là cô bạn thân hồi còn ở Sài Gòn. Sắp xếp đồ đạc xong, Trung được người bạn này dẫn đi lắc bốn ngày bốn đêm liền. Những ngày sau đó Trung không ăn được, người cứ xanh xao như tàu lá, chỉ còn 35 kg, mẹ và dì của cô lo lắng vì những cơn vã thuốc của con mình.
Một buổi sáng, dì của Trung bảo phải dẫn cô đi khai báo tạm trú rồi đưa thẳng vào trung tâm này. Lúc đầu, Trung rất giận dì và mẹ đã nói dối mình. Vào trung tâm được gần hai tháng, tăng thêm 8 ký, Trung rất vui vì mình khỏe hơn trước nhiều.
Hiện tại Trung đang trong giai đoạn cắt cơn hoàn thành. Giám thị thông báo cô được thay màu áo mới, nghĩa là đã được cắt cơn hoàn thành và chuyển sang giai đoạn điều trị.
Học viên đang lao động, học nghề. |
Trong niềm vui nho nhỏ đó, Trung nói về những dự tính tương lai của mình. Sau khi cai nghiện hoàn thành, cô sẽ trở về Canada tiếp tục thi vào đại học để kiếm một việc làm ổn định, tránh xa môi trường thuốc lắc và những người bạn xấu. Cô sẽ lập gia đình vào năm tới nếu tìm được một anh chàng thích hợp.
Vinh, Việt kiều Australia, là một ví dụ. Vinh rời xa quê hương khi mới một tuổi, lứa tuổi chưa kịp cảm nhận được mọi thứ, vì thế khái niệm quê hương đối với cô rất xa vời, mờ mịt.
Qua Australia chưa được một năm, ba mẹ của Vinh ly dị, cả hai đều lập gia đình mới. Vinh ở với mẹ và bố dượng là một người Australia. Năm Vinh 14 tuổi, mẹ cô mất vì một căn bệnh hiểm nghèo, từ đó Vinh trơ trọi giữa cuộc sống hiện đại với những con người xa lạ.
Ba dượng rất thương Vinh nhưng ông thường xuyên đi công tác nên cho Vinh rất nhiều tiền trong khi đó ba đẻ của Vinh không hề quan tâm đến con gái mình. Có tiền, lại ở nhà một mình nên Vinh theo bạn bè ăn chơi cho đỡ buồn. Những ngày tháng đó, Vinh bỏ nhà đi bụi rồi nghiện theo đám bạn xấu khi bước vào tuổi 15.
Sau một khoảng thời gian ý thức được rằng nghiện sẽ làm con người hư hỏng, Vinh đã đi cai bên đó. Đoạn tuyệt với ma túy được một thời gian nhưng ba của Vinh lại không tin vào con gái mình, luôn có những câu nói làm cô buồn, vì thế cô lại bỏ nhà đi bụi một lần nữa.
Lần này, Vinh nghiện nặng hơn và thời gian đi bụi cũng lâu hơn. Sau năm tháng sống cùng đám bạn xấu, Vinh về nhà và được đưa về Việt Nam để cách ly với ma túy.
Về quê hương, Vinh được đưa vào trung tâm này. Sau 11 tháng cai nghiện thành công, Vinh bắt đầu học tiếng Việt và kiếm được một việc làm mà nhiều người mơ ước: giảng viên dạy tiếng Anh cho một trường đại học ở TPHCM với lương tháng 1.500 USD.
Có tiền, lại sống một mình, những đêm buồn, Vinh rủ bạn vào vũ trường, bar “quậy”. Cũng trong khoảng thời gian này, Vinh quen một anh chàng chỉnh nhạc trong vũ trường. Hai người thuê nhà sống với nhau trên đường Bùi Thị Xuân.
Sau hai năm, họ chia tay; Vinh buồn, không có người thân để tâm sự, cô lại lao vào ma túy để tìm niềm vui. Nghiện lại hơn một tháng, Vinh tự ý thức được sự nguy hiểm của ma túy và một phần nữa sợ đánh mất niềm tin nơi hai người cha của mình ở Australia nên tự nguyện vào trung tâm cai lại.
Lần này Vinh quyết tâm cai thành công để trở về Australia, điều Vinh mong muốn bây giờ là sự động viên chia sẻ của cha ruột và cha nuôi. Cô tâm sự: “Chỉ cần ba của mình nói: “Con cố cai thành công rồi trở về với ba, ba tin con gái của ba sẽ làm được”, chỉ cần như thế mình sẽ quyết tâm cai nghiện và trở về Australia làm lại cuộc đời”.
Anh Nam, một Việt kiều Australia đang cai ở đây, tâm sự rằng anh nghiện hơn năm năm nay, đã cai vài lần bên đó nhưng không thành công, về Việt Nam lần này anh quyết tâm dứt hẳn ma túy để trở về với vợ và cậu con trai bốn tuổi.
Theo Thủy Anh
Công An TPHCM
* Tên của nhân vật đã được thay đổi