1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Viện KSND Tối cao làm việc với gia đình chịu oan sai suốt 40 năm

(Dân trí) - Ngày 25/4, Viện KSND Tối cao đã có buổi làm việc với những công dân bị oan sai suốt 40 năm tại tỉnh Tây Ninh. Nội dung buổi làm việc chủ yếu là để tìm hiểu, làm rõ hơn về vụ việc xảy ra và những người liên quan.

Từ sáng sớm, cụ Võ Thị Thương (sinh năm 1925, ngụ tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh) cùng 5 người khác đã có mặt tại Viện KSND tỉnh Tây Ninh để làm việc với đại diện Viện KSND Tối cao.

Viện KSND Tối cao làm việc với gia đình chịu oan sai suốt 40 năm - 1

Viện KSND Tối cao làm việc với cụ Võ Thị Thương. (ảnh: Trung Hiếu).

Mục đích của đoàn công tác là tìm hiểu, điều tra, làm rõ hơn về vụ việc xảy ra và những người liên quan. Do đó, từng thành viên trong đoàn của Viện kiểm sát Tối cao sẽ làm việc riêng với từng nạn nhân cùng với người đại diện ủy quyền.

Đại diện Cục Điều tra Viện KSND Tối cao đề nghị nạn nhân cung cấp nhân thân cũng như kể lại vụ việc và đưa ra các đề nghị, yêu cầu về bồi thường.

Viện KSND Tối cao làm việc với gia đình chịu oan sai suốt 40 năm - 2

Ông Nguyễn Văn Dũng tại buổi làm việc.

Ông Nguyễn Văn Dũng (con trai cụ Thương – cũng là nạn nhân trong vụ án) cho hay: tại buổi làm việc, đại diện Viện KSND Tối cao cho biết những chứng cứ, tài liệu mà Viện kiểm sát tỉnh Tây Ninh cung cấp chưa đủ thuyết phục nên Viện KSND Tối cao vào đây để làm rõ nội dung liên quan.

Đại diện Viện KSND Tối cao công nhận đây là oan sai rất lớn, rất rõ ràng. Việc họ cần làm là xác minh để từ đó có phương án về bồi thường, khắc phục oan sai.

Tại buổi làm việc, đại diện Viện KSND Tối cao cũng đề nghị nạn nhân kể lại quá trình ép cung, công an nào đánh đập nạn nhân. Các nạn nhân đều khai điều tra viên của Công an huyện Trảng Bàng khi đó là ông Phùng Văn Tiết, Nguyễn Văn Rức đã đánh đập, ép cung họ.

Theo nội dung vụ án, khoảng 23h ngày 26/7/1979, tại một nhà máy xay lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh xảy ra một vụ cướp. Chỉ 30 phút sau đó, công an đã bắt được một người đàn ông tình nghi. Rồi từ lời khai nhận của người này, lần lượt 7 người trong gia đình bà Thương bị bắt theo rồi bị đưa về công an huyện điều tra.

Viện KSND Tối cao làm việc với gia đình chịu oan sai suốt 40 năm - 3

Các nạn nhân đến Viện KSND tỉnh Tây Ninh để làm việc. (ảnh: Trung Hiếu).

Gần 4 năm bị giam cầm nhưng cơ quan điều tra tỉnh Tây Ninh không chứng minh được hành vi phạm tội của bà Thương và gia đình nên quyết định trả tự do cho họ. Tuy vậy, những quyết định về việc đình chỉ vụ án, dù đã có, vẫn không được trao cho bà và các thành viên khác trong gia đình. Riêng ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) là người duy nhất nhận được quyết định đình chỉ.

Tới ngày 4/4, Viện KSND tỉnh Tây Ninh mới trao quyết định đình chỉ điều tra cho 7 người còn lại.

Hiện nay, đã có 6 nạn nhân nộp đơn yêu cầu bồi thường oan sai với tổng số tiền là 60 tỉ đồng. Riêng ông Nguyễn Thành Nghị đã mất, đại diện cho nạn nhân vừa nhận được quyết định đình chỉ điều tra dành cho ông nên sẽ làm đơn yêu cầu bồi thường oan sai sau.

Xuân Duy