Cả gia đình chịu oan sai suốt 40 năm: Yêu cầu bồi thường 60 tỉ đồng
(Dân trí) - Bị bắt giam oan hơn 4 năm và mang thân phận bị can suốt 40 năm, 6 người trong một gia đình cầu Viện KSND tỉnh Tây Ninh khôi phục danh dự và bồi thường tổn thất thực tế, vật chất và tinh thần là 60 tỉ đồng.
Sáng 23/4, Viện KSND tỉnh Tây Ninh đã làm việc với người đại diện theo ủy quyền của các nạn nhân trong vụ án oan suốt 40 năm.
Theo đó, Viện KSND tỉnh Tây Ninh tiếp tục nhận thêm các hồ sơ chứng cứ, tài liệu bổ sung cho đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông Hồ Long Chánh (sinh năm 1952), bà Võ Thị Thương (sinh năm 1925) và ông Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1953). Trước đó, ông Chánh, bà Thương và ông Chiến yêu cầu bồi thường số tiền 30 tỉ đồng.
Các nạn nhân yêu cầu bồi thường 60 tỉ đồng.
Tại buổi làm việc này, Viện KSND tỉnh Tây Ninh cũng trao quyết định đình chỉ cho người đại diện hợp pháp của ông Nguyễn Thành Nghị (do ông Nghị đã mất). Ngoài ra, cũng tại buổi làm việc này, Viện KSND tỉnh Tây Ninh cũng nhận được thêm đơn yêu cầu bồi thường bà Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Ngọc Lan và Nguyễn Văn Dũng. Những người này yêu cầu Viện KSND tỉnh Tây Ninh bồi thường tổn thất thực tế và tổn thất tinh thần 30 tỉ đồng. Như vậy nâng số tiền yêu cầu bồi thường lên 60 tỉ đồng.
“Họ bắt oan tôi trong lúc tôi đang nuôi 2 đứa con thơ, trong đó Nguyễn Thị Kim Chung sinh ngày 19/4/1979, lúc đó tôi vừa mới sinh ra Chung được có 67 ngày tuổi, cháu Nguyễn Thanh Thủy, sinh ngày 1/1/1976, lúc cháu bị bắt cùng với tôi cháu chỉ mới 2 năm 6 tháng 25 ngày tuổi, nhưng chúng nó vẫn bị bắt vào tù cùng với cha mẹ, và phải ở trong tù suốt 1.386 ngày cùng với tôi. Đó là sự tàn nhẫn vô nhân đạo đối với những đứa trẻ đang độ tuổi khát sữa mẹ, chưa hiểu biết gì đã phải chịu cảnh đọa đày cùng cha mẹ trong ngục tối, lớn lên trong cảnh bất công oan trái đến tột cùng”, bà Nguyễn Thị Lan nêu trong đơn yêu cầu bồi thường.
Bà Nguyễn Thị Lan.
Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Lan nêu: “Họ bắt oan tôi trong lúc tôi bụng mang dạ chửa và bị dùng nhục hình đến mức tôi phải sinh non. Đứa con ruột của tôi được tôi sinh ra ở trong tù vào ngày 4/1/1980 hiện nay mang tên Trần Ngọc Tuyết, cũng phải lìa xa cha mẹ ruột từ lúc con tôi vừa mới chào đời. May là có ông Trần Quốc Lục, là Phó Công an huyện Trảng Bàng cưu mang đem nó về làm con nuôi, nếu không có vợ chồng ông Lục thì con tôi có lẽ cũng sẽ phải chết rục ở trong tù, vì mẹ bị tra tấn đến mức thần kinh hoảng loạn, mất sữa nuôi con thì con của tôi sống thế nào được”.
“Sau 40 năm vợ chồng cha mẹ con cái nay mới được biết mặt nhau, con tôi mới biết được cội nguồn của mình nhờ người mẹ nuôi kể lại sự thật, đây đúng là thảm kịch của gia đình tôi mà chúng tôi phải hứng chịu mối hàm oan từ trời rơi xuống. Ngoài ra, khi bắt oan tôi, cơ quan điều tra công an huyện Trảng Bàng còn bắt cả đứa con khác của tôi là Nguyễn Thị Thanh Hiền sinh năm 1971, lúc đó chỉ mới 8 tuổi. Đó là sự tàn nhẫn vô nhân đạo đối với một đứa trẻ còn đang độ tuổi trong trắng thơ ngây”, bà Ngọc Lan nhấn mạnh trong đơn.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan.
Theo nội dung vụ án, khoảng 23h ngày 26/7/1979, tại một nhà máy xay lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh xảy ra một vụ cướp. Chỉ 30 phút sau đó, công an đã bắt được một người đàn ông tình nghi. Rồi từ lời khai nhận của người này, lần lượt 7 người trong gia đình bà Thương bị bắt theo rồi bị đưa về công an huyện điều tra.
Gần 4 năm bị giam cầm nhưng cơ quan điều tra tỉnh Tây Ninh không chứng minh được hành vi phạm tội của bà Thương và gia đình nên quyết định trả tự do cho họ. Tuy vậy, những quyết định về việc đình chỉ vụ án, dù đã có, vẫn không được trao cho bà và các thành viên khác trong gia đình. Riêng ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) là người duy nhất nhận được quyết định đình chỉ.
Tới ngày 4/4, Viện KSND tỉnh Tây Ninh mới trao quyết định đình chỉ điều tra cho 7 người còn lại.
Xuân Duy