1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Viện kiểm sát không còn quyền khởi tố vụ án hành chính

Chiều 28/6, thảo luận về Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí phương án: Viện kiểm sát không tham gia tất cả phiên tòa, bỏ quy định hiện hành về quyền khởi tố vụ án hành chính của Viện kiểm sát.

Ông Vũ Đức Khiển, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, giải thích việc không giao cho Viện kiểm sát nhân dân tham gia tất cả phiên tòa xét xử vụ án hành chính là để cơ quan này tập trung vào thực hiện chức năng công tố. Điều này cũng phù hợp với Bộ luật tố tụng dân sự.

Một điểm gây tranh cãi là thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án hành chính. Theo điều 81 của dự thảo, trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định về thời hạn xét xử. Đối với vụ án phức tạp, thời hạn không quá 3 tháng. Trong trường hợp đặc biệt, Chánh án tòa án có thể gia hạn thời gian chuẩn bị xét xử tối đa là một tháng.

Giải thích lý do gia hạn, ông Nguyễn Văn Hiện, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, nói: "Thực tế giải quyết vụ án hành chính vô cùng phức tạp, trong đó đến 80-90% vụ án liên quan đến đất đai. Với những vụ phức tạp, ấn định thời hạn 2 tháng thì e không giải quyết nổi".

Từng là phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao, ông Mai Ngọc Trinh lại cho rằng: "Chỉ nên giải quyết dứt điểm trong 2 tháng, tránh tình trạng kéo dài gây khó khăn cho người dân".

Trước việc một số thành viên soạn thảo đề nghị quy định nếu người khởi kiện vắng mặt lần thứ hai mà có lý do chính đáng thì có thể hoãn phiên tòa, ông Nguyễn Văn Hiện cương quyết giữ quan điểm chỉ được hoãn một lần.

Ông cho rằng: "Đúng là luật tố tụng hình sự cũng như dân sự cho phép đương sự vắng mặt tới 2 lần. Nhưng vụ án hành chính rất phức tạp, có nhiều đương sự, nếu hoãn tới 2 lần sẽ không đảm bảo thời gian xét xử. Lý do để hoãn thì rất dễ, chỉ cần xin giấy ốm là được".

Ông Hiện còn dẫn ra ở Hà Nội một năm xét xử khoảng 3.000 vụ án các loại thì có tới 900 lượt hoãn, làm ảnh hưởng đến công tác xét xử.

Dự án pháp lệnh với 15 chương, 185 điều sẽ tiếp tục được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Theo VnExpress