1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Việc thực hiện chế độ với các Phó chủ tịch xã: Nhiều địa phương vẫn lúng túng

(Dân trí) - Không ít địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn lúng túng trong việc thực hiện chế độ đối với các đội viên trí thức trẻ được cử về công tác tại các địa phương đặc biệt khó khăn theo “Dự án 600 Phó chủ tịch xã về công tác tại các xã thuộc 7 huyện nghèo”.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Phạm Thị Hoa - Phó chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết, nếu việc thực hiện chế độ chưa đúng và sai thì phải điều chỉnh.

Tại huyện Quan Hóa, tháng 4/2015, UBND huyện này đã tổ chức cuộc họp tất cả các Chủ tịch xã là chủ tài khoản, các Phó chủ tịch xã và kế toán để rà soát lại việc thực hiện chế độ, chính sách trên địa bàn.

Các đội viên thuộc dự án 600 công tác tại các xã đặc biệt khó khăn.
Các đội viên thuộc dự án 600 công tác tại các xã đặc biệt khó khăn.

Theo ông Lê Đức Hiếu - Trưởng phòng Nội vụ huyện Quan Hóa cho biết: “Đội viên từ khi về công tác, không thấy phản ánh gì về chế độ, chính sách. Chúng tôi rất tạo điều kiện cho các đội viên dự án về công tác. Địa bàn, điều kiện làm việc, ăn, ở đi lại đối với các đội viên rất khó khăn. Các đội viên tích cực phát huy được năng lực, có chương trình làm việc cụ thể, thực hiện được nhiều việc tốt”.

Cũng theo ông Hiếu: “Hàng năm các xã có gặp gỡ, trao đổi không thấy có vấn đề gì. Việc này vừa mới phát hiện, cấp xã là đơn vị trực tiếp chi trả, cần phải rà soát lại khi nào có kết quả thì mới báo cáo tỉnh”.

Về vấn đề thực hiện truy thu một phần chế độ đối với các đội viên tham gia dự án, theo bà Hoa cho biết, chưa có đơn vị nào truy thu. Văn bản của huyện chỉ mang tính chất nhắc nhở cấp xã chứ không phải bắt buộc. Đến thời điểm này chưa có xã nào báo cáo về huyện.

Hình thức chi trả tất cả chế độ, chính sách cũng giống như công chức cấp xã, trên cơ sở phân bổ ngân sách của địa phương. Việc chi trả phải kiểm tra, rà soát, giám sát và có liên quan đến phân bổ ngân sách đầu năm, có nghị quyết. Còn việc trả sai, không trả, sai như thế nào thì phải có báo cáo về huyện.

Thực tế hiện nay, các đội viên tham gia dự án tại các xã đặc biệt khó khăn của huyện Quan Hóa chỉ được hưởng 70% chế độ chính sách. Trong khi từ khi về nhận nhiệm vụ đến tháng 1/2015, những đội viên này được hưởng 140% chế độ chính sách. Theo bà Hoa thì: “Đây là một vấn đề do thay đổi về nhân sự, có thể anh em chuyên môn nhầm lẫn về chế độ, nghiên cứu chưa kỹ, cũng có thể thời điểm này phát hiện ra tham mưu cho chủ tịch điều chỉnh".

Nói về hướng giải quyết, bà Hoa cho biết: “Sau đây huyện sẽ chỉ đạo, giao cho chính quyền địa phương, các phòng ban kiểm tra lại để báo cáo thường trực UBND huyện. Đến thời điểm này chưa thể khẳng định xã nào sai cả”.

Tại huyện Lang Chánh, ngay sau khi nhận được thông tin, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch xin ý kiến của Sở Tài chính Thanh Hóa về vấn đề nêu trên. Theo ông Nguyễn Xuân Hồng - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết, từ tháng 7/2015 trở đi sẽ không cấp nguồn kinh phí 70% về nữa. Vấn đề còn lại là nếu truy thu thì hình thức truy thu như thế nào huyện sẽ tổ chức họp với chính quyền địa phương và tất cả 6 đội viên công tác trên địa bàn huyện để bàn cụ thể và có hướng giải quyết phù hợp.

Cũng theo ông Hồng thì việc giải quyết như thế nào thì ưu tiên hàng đầu của huyện là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các đội viên.

Còn tại huyện Thường Xuân, theo ông Vi Văn Thể - Trưởng phòng Nội vụ cho biết, huyện có 7 trí thức trẻ về công tác tại các xã đặc biệt khó khăn. Đến thời điểm này, huyện chưa thấy phản ánh gì về vấn đề chế độ chính sách. Về phần các đội viên được đánh giá công tác rất tích cực, tận tình. Đến thời điểm này, huyện Thường Xuân cũng chưa có hướng dẫn, chỉ đạo nào từ UBND tỉnh về vấn đề nêu trên.

Trong khi đó, Phòng Tài chính huyện Thường Xuân cũng cho biết: Hiện đơn vị đang thực hiện chi trả bằng 140% cho các đội viên theo Quyết định 70 về chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt cho các xã thuộc 61 huyện nghèo và chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã thuộc 61 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.

Đồng thời thực hiện theo Nghị định 116 về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nhiều địa phương vẫn đang lúng túng trong việc thực hiện chế độ đối với các đội viên dự án 600.
Nhiều địa phương vẫn đang lúng túng trong việc thực hiện chế độ đối với các đội viên dự án 600.

Theo đại diện Phòng tài chính - Kế hoạch huyện Thường Xuân, việc chi trả 140% được thực hiện từ khi tiếp nhận các đội viên. Và đến thời điểm này cũng chưa nhận được hướng dẫn nào từ Sở Tài chính. Được giao như thế nào thì chi như thế, còn đúng hay sai, cũng chưa biết được. Tổng số tiền một năm chi theo Quyết định 70 và Nghị định 116 đối với 7 đội viên trên đọa bàn huyện Thường Xuân năm 2015 là hơn 695 triệu đồng.

Được biết, theo Điều 3, Nghị định 116 về Nguyên tắc áp dụng nêu rõ: “Cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang thuộc đối tượng áp dụng của chính sách quy định tại Nghị định này, đồng thời thuộc đối tượng áp dụng của chính sách cùng loại quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác thì chỉ được hưởng một mức cao nhất của chính sách đó”.

Duy Tuyên