Việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông là rất cần thiết
(Dân trí) - Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, việc tăng mức xử phạt đối với hành vi phạm giao thông là rất cần thiết, nhằm lập lại kỷ cương trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về việc Nghị định 168 có mức xử phạt vi phạm giao thông tăng rất cao, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết việc tăng mức xử phạt lên cao là rất cần thiết, nhằm lập lại kỷ cương trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Đại tá Nhật cho biết, Nghị định 168 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực từ 1/1.
Theo Đại tá Nhật, đối với lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ) theo quy định của Nghị định 168 sẽ tăng lên gấp từ 3-6 lần so với quy định trước đây.
Trong đó, mức phạt đối với ô tô sẽ tăng từ 4 đến 6 triệu đồng lên từ 18 đến 20 triệu đồng; mức phạt đối với xe mô tô tăng từ 800.000-1 triệu đồng lên từ 4 đến 6 triệu đồng. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị trừ 4 điểm trên giấy phép lái xe.
Theo Đại tá Nhật, hành vi vượt đèn đỏ là cực kỳ nguy hiểm, có thể xảy ra tai nạn giao thông bất cứ lúc nào.
"Cuối năm 2024 đã xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh 164 phương tiện vượt đèn đỏ trong khoảng thời gian hai phút tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (Hà Nội). Nhóm vi phạm chủ yếu là người sử dụng phương tiện hai bánh như: xe máy, xe máy điện, xe đạp, xe đạp điện... Do vậy, việc nâng mức xử phạt lên là cần thiết", Đại tá Nhật nói.
Theo Đại tá Nhật, thời gian qua khi xử lý người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn với mức phạt tiền cao hơn giá trị chiếc xe, đã xuất hiện tình trạng nhiều người vi phạm không đến giải quyết.
Để giải quyết việc này, theo Đại tá Nhật, khi đủ thời gian đảm bảo theo quy định của pháp luật, lực lượng chức năng sẽ lập hội đồng sung công và bán thanh lý phương tiện theo quy định, nộp tiền vào ngân sách.
Đại tá Nhật cho biết khi người điều khiển bị tạm giữ giấy phép lái xe nếu không đến nộp phạt sẽ không được cấp hoặc đổi giấy phép lái xe.
"Trường hợp trên hệ thống quản lý của CSGT đã xác nhận giấy phép lái xe bị tạm giữ mà không đến xử lý nhưng tiếp tục điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ bị xử lý rất nặng", Đại tá Nhật nói.