1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết”

(Dân trí) - “Việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, những lần sửa chữa vừa qua đúng mùa mưa nên không đạt chất lượng như mong muốn. Tới đây mặt cầu Thăng Long sẽ được sửa chữa triệt để, nhưng phải chờ sang mùa khô mới thực hiện được”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Mạnh Hùng cho PV Dân trí biết thông tin trên sáng nay 17/6.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Nguyên nhân dẫn đến việc mặt cầu Thăng Long sau sửa chữa vẫn hỏng là do sử dụng loại vật liệu rất mới, công nghệ hiện đại. Tuy ở các nước châu Âu loại vật liệu, công nghệ này khá phổ biến, nhưng với Việt Nam là lần đầu tiên được áp dụng, các đơn vị thi công cũng còn thiếu kinh nghiệm nên chất lượng sửa chữa không được như mong đợi. Ngoài ra, yếu tố thời tiết không thuận lợi trong thời gian thi công sửa chữa đã tác động rất lớn gây ra sự cố mặt cầu bị trơn trượt, không dính bám và nứt”.
 
“Việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết” - 1
Sự cố nứt mặt cầu Thăng Long sẽ còn phải chờ sang mùa khô tới mới được sửa chữa triệt để

“Vừa qua, Bộ GTVT đã mời các chuyên gia nước ngoài về cầu bản mặt thép với thời gian sử dụng từ 25 năm trở lên như cầu Thăng Long để nghiên cứu giúp đưa ra hướng sửa chữa phù hợp và triệt để đối với mặt cầu Thăng Long.

Thời gian sửa chữa trước đó được dự định là trong tháng 5/2011, nhưng do đợt sửa chữa trước (dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội) gặp mưa nên chất lượng không tốt, vì vậy để tránh lặp lại tình trạng tương tự, lần này Bộ GTVT chỉ đạo sửa chữa triệt để nhưng phải chờ sang mùa khô mới thực hiện được” - Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Về tổng kinh phí của dự án từ khi bắt đầu thực hiện và qua nhiều lần sửa chữa nhỏ lẻ, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Dự án được đầu tư 100 tỷ đồng để thực hiện, việc sửa chữa nhỏ lẻ sau đó vẫn nằm trong thời gian bảo hành, đơn vị thi công phải thực hiện sửa chữa theo hợp đồng nên dự án chưa phải sử dụng thêm kinh phí của Nhà nước”.

Cầu Thăng Long được Liên Xô giúp đỡ xây dựng, qua hơn 20 khai thác sử dụng cầu đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn nên Bộ GTVT lập dự án sửa chữa.

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận: “Ngành giao thông đã thực hiện được rất nhiều dự án xây dựng và sửa chữa đạt chất lượng tốt, duy chỉ có dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long là không đạt kết quả như mong muốn. Đây cũng là 1 vế nhám mà chúng tôi phải chấp nhận”.

Được biết, trong đợt sửa chữa lớn tới đây sẽ có sự tham gia của chuyên gia hàng đầu người Anh về lĩnh vực công nghệ liên quan, ngành GTVT Việt Nam cũng sẽ tham khảo thêm chuyên gia của Mỹ và kinh nghiệm của Thái Lan - nước có đặc điểm khí hậu, trình độ thi công tương đương.

Trước đó, dự án thi công sửa chữa lớp phủ mặt cầu Thăng Long được tiến hành từ 23/10/2009 - 23/12/2009, công nghệ và vật liệu được sử dụng bê tông nhựa polymer (SMA). Dự án được thực hiện dưới sự giám sát của chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án 2 (Bộ GTVT), Tư vấn giám sát và chuyên gia kỹ thuật nước ngoài. Tiêu tốn hết 97 tỷ đồng song công trình vừa sử dụng được 1 thời gian ngắn đã hư hỏng nặng khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Quỳnh Anh