1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Mặt cầu Thăng Long hỏng: Vật liệu không đạt yêu cầu?

(Dân trí) - Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản trình Bộ Giao thông Vận tải về sự cố nứt mặt cầu Thăng Long sau sửa chữa phục vụ Đại lễ. Tổng cục Đường bộ cũng khẳng định, vật liệu sửa chữa trước đó không đạt yêu cầu toàn diện.

“Điệp khúc” vừa sửa đã hỏng
 
Trong văn bản gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ cho hay: từ đêm 24 - 29/9/2010, công tác sửa chữa các vị trí hư hỏng trên mặt cầu Thăng Long đã được tiến hành. Tổng diện tích được sửa chữa là 1.789 m2; các vạch sơn phân làn xe trên cầu cũng đã được nhà thầu tiến hành sơn lại.
 
Công tác sửa chữa những vết hư hỏng lớn đã hoàn thành trước dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, đảm bảo cho các phương tiện tham gia giao thông được an toàn êm thuận.
 
Mặt cầu Thăng Long hỏng: Vật liệu không đạt yêu cầu? - 1
Mặt cầu Thăng Long được sửa chữa gấp rút để phục vụ Đại lễ, tuy nhiên Đại lễ vừa kết thúc thì mặt cầu lại tiếp tục... nứt
 
Tuy nhiên, sau nửa tháng sửa chữa, hiện nay lớp bê tông nhựa SMA có một vài vị trí nứt dọc nhỏ và 04 vị trí nứt ngang. Các vị trí này và toàn bộ mặt cầu vẫn tiếp tục được kiểm tra theo dõi thường xuyên để có biện pháp xử lý kịp thời.
 
Để phục vụ công tác sửa chữa các hư hỏng trong thời gian tới (nếu có) hiện nay nhà thầu đã chủ động ký hợp đồng mua bổ sung 5.000 kg vật liệu Bond coat.
 
Vật liệu đã sử dụng không đạt yêu cầu?
 
Trong các văn bản số 1694/BGTVT-CQLXD ngày 22/3/2010, 2826/BGTVT-CQLXD ngày 5/5/2010, Bộ GTVT đã giao Tổng cục ĐBVN chỉ đạo Viện KHCN GTVT nghiên cứu đề xuất giải pháp xử lý đảm bảo ổn định lâu dài.
 
Viện KHCN GTVT đã nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp sửa chữa tại cuộc họp ngày 7/7/2010. Trên cơ sở đó Bộ GTVT đã có Thông báo số 294/TB-BGTVT ngày 12/7/2010 chỉ đạo Viện KHCN GTVT nghiên cứu chi tiết 2 giải pháp chống thấm cho lớp SMA: (1) dùng vật liệu TL2000 trám phủ và (2) dùng lớp phủ siêu mỏng bê tông nhựa chặt.
 
Sau khi nghiên cứu thử nghiệm, ngày 26/7/2010 Viện KHCN GTVT đã có văn bản số 709/VKHCN-KQH báo cáo kết quả nghiên cứu. Theo đó thì việc sử dụng giải pháp TL-2000 để chống thấm cho lớp phủ SMA là không khả thi do phía Công ty HALIK.LTD - Israel không đáp ứng được các yêu cầu đến việc cung cấp các tài liệu liên quan, quy trình, chỉ dẫn kỹ thuật... để khẳng định khả năng chống bong bật, chống mài mòn dưới tác động của bánh xe, tuổi thọ của TL-2000.
 
Mặt cầu Thăng Long hỏng: Vật liệu không đạt yêu cầu? - 2
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ, giải pháp xử lý trước đó chưa đạt yêu cầu toàn diện
 
Đối với lớp phủ mỏng BTN polymer có sử dụng nhũ tương polymer để tưới dính bám của hãng Hall Brothers thì sau nhiều buổi làm việc, Viện KHCN GTVT đã có đề cương và dự toán thi công thử nghiệm lớp phủ bê tông nhựa chặt theo công nghệ và thiết bị của Công ty Hall Brothers gửi kèm theo văn bản số 709/VKHCN-KQH.
 
Tổng Cục đã có văn bản báo cáo Bộ xin ý kiến chỉ đạo tại các văn bản số 1791/TCĐBVN-CQLXDĐB ngày 2/8/2010; số 1921/TCĐBVN-CQLXDĐB ngày 10/8/2010.
 
Tuy nhiên, các giải pháp trên mới đảm bảo mục tiêu chống thấm nước xuống lớp phủ SMA, còn giải pháp tăng cường độ dính bám giữa lớp SMA và lớp chống eliminator hiện nay vẫn đang tiếp tục nghiên cứu. Giải pháp chống thấm trên lớp SMA chỉ có hiệu quả khi bản thân lớp SMA phải được xử lý đảm bảo ổn định.
 
Sau nhiều lần sửa chữa mặt cầu vẫn... hỏng, Tổng cục Đường bộ một lần nữa “cầu cứu” và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT để Viện KHCN GTVT tiếp tục nghiên cứu giải pháp xử lý lâu dài hoặc mời thêm các chuyên gia, các đơn vị trong và ngoài nước cùng nghiên cứu, sớm có giải pháp xử lý đảm bảo độ ổn định lâu dài của lớp phủ mặt cầu.
 
Quỳnh Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm