1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Video "TPHCM dựng hàng trăm lều dã chiến" có hình ảnh phản cảm là tin giả

Thế Anh

(Dân trí) - Mới đây, mạng xã hội TikTok bất ngờ xuất hiện video có nội dung "TPHCM: Dựng hàng trăm lều "dã chiến" ở nhà xe để công nhân cách ly Covid-19", chứa nhiều hình ảnh phản cảm khiến dư luận xôn xao.

Trên thực tế, đây là một video giả mạo và những thông tin, hình ảnh trong video này không chính xác.

Video có gắn logo của báo điện tử Dân trí, đồng thời sử dụng giọng đọc giống với các bản tin chính thống, khiến cho không ít người xem hiểu nhầm đây là sản phẩm của báo Dân trí. Không những thế, đoạn video này còn chứa rất nhiều hình ảnh phản cảm.

Video TPHCM dựng hàng trăm lều dã chiến có hình ảnh phản cảm là tin giả - 1

Video giả mạo chứa các hình ảnh phản cảm được lan truyền trên mạng Internet.

Hiện tại, đoạn video không còn xuất hiện trên nền tảng TikTok; tuy nhiên, nó vẫn được lan truyền thông qua tin nhắn trên các mạng xã hội khác.

Báo Dân trí khẳng định đây không phải nội dung của báo Dân trí sản xuất. Chúng tôi cũng đã chuyển nội dung này tới cơ quan chức năng đề nghị điều tra làm rõ đối tượng đứng sau video giả mạo này để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thời gian gần đây, các thông tin giả, sai sự thật về tình hình dịch Covid-19 liên tục xuất hiện trên mạng xã hội. Mới đây, nhiều tài khoản Facebook đã đăng tải/chia sẻ hình ảnh kèm theo chú thích về "những xác người chết do Covid-19 tại TPHCM", khiến dư luận hoang mang. 

Tuy nhiên theo Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) - Bộ Thông tin và Truyền thông, thông tin trên là giả, sai sự thật.

Qua xác minh từ cơ quan chức năng TPHCM, căn cứ thông tin từ truyền thông xã hội Myanmar và Indonesia, bức ảnh trên được chụp tại bệnh viện Myawaddy, thị trấn ở đông nam Myanmar, chứ không phải TPHCM như nhiều người nhầm tưởng.

VAFC cũng lên tiếng khuyến cáo người dân và cộng đồng mạng không chia sẻ tin giả nêu trên, khiến người dân hoang mang, hiểu sai sự thật, và ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. 

VAFC cũng từng bác bỏ nhiều thông tin sai sự thật, như cho rằng TPHCM sẽ thực hiện đóng cửa toàn thành phố (lock down) từ 0 giờ ngày 15/7, dẫn đến khan hiếm thực phẩm và kêu gọi người dân tụ tập mua sắm, tích trữ hàng hóa; hay thông tin lãnh đạo thành phố bị nhiễm Covid-19… 

Đối với những trường hợp phát tán, chia sẻ tin giả trên mạng xã hội, VAFC khẳng định sẽ chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử phạt theo quy định của pháp luật.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm