Vị tướng và chuyện chiếc xe giống như “lợn bị cắt tai” ở đường Trường Sơn
(Dân trí) - "Địch đánh phá đường Trường Sơn rất ác liệt, 4 triệu tấn bom đã dội xuống đây, nhưng với lòng yêu nước, tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, bộ đội Trường Sơn và các lực lượng tham gia khác vẫn quyết vượt lên phía trước, đảm bảo đường luôn thông suốt để đưa được sức mạnh của miền Bắc vào miền Nam" - Thiếu tướng Võ Sở chia sẻ.
Thiếu tướng Võ Sở (91 tuổi), nguyên Chính ủy Binh đoàn 12, hiện nay là Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã chia sẻ với phóng Dân trí như vậy bên lề Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi "Hào khí Trường Sơn", diễn ra vào chiều 4/5 tại Hà Nội.
Vị Thiếu tướng 91 tuổi cho biết, ông tham gia ở chiến trường Đường Trường Sơn hơn 10 năm (giai đoạn 1964-1975, và những năm sau đó). Ông nhớ như in từng trận đánh, từng giai đoạn mà giặc Mỹ mang máy bay, bộ binh ra đánh phá tuyến đường Trường Sơn.
Ông kể, năm 1964-1965 và năm 1974-1975 là giai đoạn Mỹ ném bom, đánh phá đường Trường Sơn ác liệt nhất. Địch dội "mưa bom, bão đạn" suốt ngày đêm xuống cung đường này. Có những đoạn đường dài chừng 50-70km, cây cối đang ùm tùm đã bị bom đạn địch san phẳng thành một khoảng đất trống.
"Địch ngày đêm đánh phá liên tục, nếu là đoạn đường trọng điểm thì chúng đánh phá hàng trăm, hàng nghìn lần. Đất đá trên núi đổ xuống hàng nghìn m3, bộ đội công binh lại phải khắc phục bằng những dụng cụ thủ công như cuốc, xẻng, thuốc nổ, bộc phá, có khi phải dùng xe ủi để "vá đường", đảm bảo cho tuyến đường luôn thông suốt" - Thiếu tướng Võ Sở kể.
"Có thể nói, giai đoạn này địch đánh phá đường Trường Sơn ác liệt nhất, người ta thống kê đã có 4 triệu tấn bom đã dội xuống đây. Tuy nhiên, với lòng yêu nước, tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, bộ đội Trường Sơn và các lực lượng tham gia khác vẫn quyết vượt lên phía trước, đảm bảo đường luôn thông suốt để đưa được sức mạnh của miền Bắc vào miền Nam"- vị Thiếu tướng 91 tuổi rưng rưng kể tiếp.
Đường mòn Hồ Chí Minh. (Ảnh Tư liệu).
Khi phóng viên hỏi về kỷ niệm sâu sắc nhất khi tham gia chiến đấu ở chiến trường đường Trường Sơn, Thiếu tướng Võ Sở nói: "Kỷ niệm thì nhiều lắm, nhưng tôi kể cho bạn nghe một kỷ niệm là vào khoảng thời gian cuối năm 1968 đầu năm 1969, tôi và một tổ công tác ngồi trên chiếc xe phát từ trường. Xe phát ra từ trường để phát hiện và phá hủy bom từ trường của địch. Nếu đường thẳng, thông thoáng không bị che khuất thì từ trường của xe sẽ làm cho bom từ trường của địch nổ trước, chúng ta sẽ tránh được thương vong.
Nhưng hôm đó, xe của chúng tôi vào khúc cua, từ trường phát ra của xe bị che khuất nên đã bị bom từ trường của địch nổ làm cho lật ngửa xe, phần đầu xe bị bẹp dúm. May mắn có taluy bên đường nên xe không rơi xuống vực, không ai trên xe bị thương. Anh em lúc đó nhìn chiếc xe đã nói vui với nhau là "Xe của chúng ta giống như con lợn bị cắt tai" (cười). Sau đó, phải điều một xe xúc đến để cho xe tôi lật lên, may mắn xe vẫn hoạt động".
Kinh nghiệm chạy xe trên đường Trường Sơn
Ông Hoàng Chính Hòa trao đổi với phóng viên Dân trí.
Cựu chiến binh Hoàng Chính Hòa (66 tuổi, ở Khoái Châu - Hưng Yên) là lái xe giai đoạn 1971 đến 1975 trên cung đường Trường Sơn đã chia sẻ với phóng viên Dân trí những kinh nghiệm lái xe vượt qua "mưa bom, bão đạn".
Ông Hòa cho biết, nguyên tắc lái xe trên cung đường Trường Sơn vào ban đêm là không được bật đèn pha, chỉ bật đèn gầm để địch khó phát hiện.
"Tuy nhiên, Mỹ lúc đó đã có vũ khí hiện đại có khả năng phát hiện xe của ta từ xa, xe mà chạy phát ra nhiệt nóng, thiết bị của địch thu được tín hiệu và nó sẽ phóng đạn, đa số là chính xác. Chúng tôi lái xe trên đường luôn có thanh niên xung phong, công binh và pháo cao xạ bảo vệ để cho xe ta đi. Phía trước mà tắc đường thì có dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong ngụy trang để hướng dẫn cho lái xe vào trú ẩn an toàn, khi đường thông lại đi tiếp" - ông Hòa cho biết.
Theo ông Hòa, kinh nghiệm lái xe trên đường Trường Sơn vào thời điểm đó là quen đường, và biết được thời điểm nào địch ném bom. Vào thời điểm rạng sáng, địch ít ném bom nên đội xe của ông Hòa thường xuất phát lúc 3h-4h sáng hàng ngày.
Chiều 4/5, tại Hà Nội, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, Báo Cựu chiến binh Việt Nam và Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương đã tổng kết Cuộc thi viết “Hào khí Trường Sơn”. Đây là sự kiện trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019).
Từ khi phát động ngày 22/3/2018, Ban tổ chức đã nhận được 1.168 tác phẩm dự thi. Từ nhiều góc độ, các tác phẩm đã phản ánh những tấm gương tiêu biểu của bộ đội, thanh niên xung phong Trường Sơn trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu từ năm 1959 đến năm 1975; những điển hình tiêu biểu của bộ đội, cựu thanh niên xung phong, cựu chiến binh Trường Sơn sau kháng chiến chống Mỹ làm kinh tế giỏi, tích cực hỗ trợ cộng đồng, giúp đỡ người nghèo…
Qua 3 vòng loại, Ban giám khảo đã lựa chọn 44 tác phẩm để trao 2 giải Nhất (“Người anh hùng chưa được vinh danh” của Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, “Người chiến sĩ ấy” của tác giả Phạm Thùy Nhung), 4 giải Nhì, 8 giải Ba, 30 giải Tư và 5 giải Tập thể.
Ban tổ chức đã biên tập 44 tác phẩm được trao giải để in sách “Hào khí Trường Sơn”; chọn đăng 120 bài dự thi trên trang Thông tin điện tử Trường Sơn.
Nguyễn Dương