Vì sao Việt Nam thành công và có quan hệ hữu nghị với các siêu cường quốc?

Hoài Thu

(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát nhiều kết quả quan trọng và đưa ra lý do giúp Việt Nam trở thành một trong những chủ thể quan trọng nhất của thế giới về quan hệ quốc tế.

Trước chuyến thăm chính thức Romania, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trả lời phỏng vấn Tập đoàn truyền thông Clever Group của Romania.

Việt Nam ngày nay là một trong những chủ thể quan trọng nhất của thế giới về quan hệ quốc tế, có quan hệ hữu nghị với tất cả các siêu cường hoặc nước lớn. Làm thế nào để Việt Nam thành công đạt được vị trí này? Đó là một trong những câu hỏi người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhận được.

Việt Nam muốn cùng các nước thúc đẩy động lực tăng trưởng mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ Việt Nam là quốc gia chịu nhiều đau thương, mất mát nhất do chiến tranh nên luôn thấu hiểu giá trị của hòa bình.

Với tinh thần "gác lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, phát huy tương đồng, hướng đến tương lai", Việt Nam đã biến thù thành bạn, chuyển đối đầu thành đối thoại và trở thành hình mẫu về hàn gắn, vươn lên sau chiến tranh với quan hệ đối ngoại rộng mở, toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Vì sao Việt Nam thành công và có quan hệ hữu nghị với các siêu cường quốc? - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Đoàn Bắc).

Từ một quốc gia bị bao vây, cấm vận, đến nay Việt Nam đã có quan hệ với 193 quốc gia trên thế giới. Trong số 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, có 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc, 7 thành viên G7 và 16 thành viên G20.

Việt Nam đang là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế, trong đó có các thể chế đa phương quan trọng nhất của khu vực và toàn cầu.

Đạt được những thành tựu quan trọng này, theo Thủ tướng, trước hết nhờ chủ trương, đường lối đối ngoại đúng đắn của Việt Nam, phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao "cây tre Việt Nam: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển".

"Vững ở gốc là truyền thống tự lực, tự cường, vì lợi ích quốc gia dân tộc, là tinh thần đoàn kết, nhân ái, thủy chung. Chắc ở thân là bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách và khó khăn, trước vất vả và gian lao. Uyển chuyển ở cành là sự mềm mại, khôn khéo, sáng tạo trong triển khai công tác đối ngoại", Thủ tướng phân tích.

Bên cạnh đó, ông cho rằng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, sự ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và kiên trì chính sách quốc phòng "bốn không", đã góp phần để Việt Nam có được vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới dự báo tiếp tục biến đổi nhanh chóng, khó lường, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam muốn chung tay cùng các quốc gia gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển nhanh và bền vững; thúc đẩy các động lực mới cho tăng trưởng và chung tay ứng phó với các thách thức chung mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…

"Tôi không bao giờ quên những tháng năm tuổi trẻ ở Romania"

Đánh giá về mối quan hệ hiện nay giữa Romania và Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định hai bên có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác rất tốt đẹp trong gần 75 năm qua và tiếp tục mở rộng và phát triển tích cực.

Romania là một trong những nước đầu tiên công nhận Việt Nam, ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như xây dựng và sự nghiệp xây dựng, phát triển ngày nay.

Vì sao Việt Nam thành công và có quan hệ hữu nghị với các siêu cường quốc? - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Romania Klaus Iohannis nhân dịp tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 78 tại New York, Mỹ hồi tháng 9/2023 (Ảnh: Đoàn Bắc).

"Romania đã giúp đỡ đào tạo cho Việt Nam khoảng 4.000 cán bộ, chuyên gia, là nguồn nhân lực rất quý báu cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước chúng tôi", theo lời Thủ tướng.

Quốc gia này cũng tích cực hỗ trợ quá trình Việt Nam và EU đàm phán, ký phê chuẩn và thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), là một trong hai quốc gia EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Với cơ hội, tiềm năng và dư địa hợp tác còn rất lớn, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam mong cùng Romania tiếp tục tạo đột phá về thương mại, đầu tư trở thành trụ cột trong quan hệ song phương.

Ông kỳ vọng hai nước đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mà Romania có thế mạnh và Việt Nam có tiềm năng như giáo dục, văn hóa, xã hội, lao động, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, những ngành, lĩnh vực mới nổi…

Chia sẻ thêm về những kỷ niệm trong quãng thời gian học tập, làm việc tại Romania, Thủ tướng nói ông luôn lưu giữ những ấn tượng sâu sắc, tình cảm tốt đẹp và kỷ niệm sâu sắc về đất nước Romania tươi đẹp, con người Romania cần cù, thân thiện, mến khách và nghĩa tình.

"Tôi không bao giờ quên những năm tháng tuổi trẻ học tập và thời gian công tác tại Romania; lưu nhớ những gương mặt, giọng nói, tiếng cười và hình ảnh rất đỗi thân thương của các thầy cô, bạn bè Romania. Chính nhờ họ mà đã góp phần quan trọng giúp những lưu học sinh chúng tôi có được như ngày hôm nay", Thủ tướng chia sẻ.

Vui mừng và xúc động trở lại Romania lần này, Thủ tướng tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy, tăng cường, làm sâu sắc, thực chất và hiệu quả hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, vì lợi ích của hai dân tộc, của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.