Vì sao Việt Nam cần vệ tinh viễn thám riêng?
Bộ Khoa học - Công nghệ đang gấp rút hoàn thành dự thảo chương trình phóng một vệ tinh viễn thám (VTVT) cỡ nhỏ. Dự kiến chương trình này sẽ được Chính phủ phê duyệt đầu năm 2006 và đến năm 2008 Việt Nam có thể phóng VTVT của mình lên quỹ đạo.
Ông Trần Công Duệ - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) các ngành kinh tế, kỹ thuật (thuộc Bộ KH-CN), người trực tiếp tham gia xây dựng dự thảo chương trình đã trao đổi rõ hơn về vấn đề này.
Được biết, cách đây khoảng 10 năm, chúng ta cũng đã xây dựng chương trình phóng VTVT. Xin ông cho biết, vì sao đến bây giờ chương trình này mới được khởi động lại?
Chương trình phóng VTVT của Việt Nam được manh nha đã lâu. Năm 1998 được định hình và đến năm 2003, Bộ KH-CN đã trình Chính phủ đề án “Kế hoạch tổng thể về ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám tại Việt Nam đến năm 2010” với 5 dự án cụ thể gồm 2 dự án xây dựng trạm thu ảnh vệ tinh, 1 dự án phóng VTVT, 1 dự án nghiên cứu khoa học và 1 dự án đào tạo cán bộ. Bộ KH-CN cũng đã hai lần trực tiếp báo cáo với Thủ tướng và được Thủ tướng đánh giá đề án chuẩn bị công phu, mục tiêu rõ ràng.
Tuy nhiên, do công nghệ VTVT là một nội dung nằm trong công nghệ vũ trụ, nên Chính phủ đã giao cho Viện KH-CN Việt Nam phối hợp với một số bộ ngành khác, xây dựng Chiến lược công nghệ vũ trụ Việt Nam để thống nhất các vấn đề và phê duyệt tổng thể một lần.
Vào thời điểm này, dự thảo Chiến lược phát triển Công nghệ vũ trụ giai đoạn 2006 – 2020 cũng sắp hoàn thành, vì vậy chúng tôi được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo chương trình phóng VTVT của Việt Nam. Theo tôi được biết, trong tháng 11 này, cả dự thảo Chiến lược phát triển Công nghệ vũ trụ và chương trình phóng VTVT sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Khi nào chương trình phóng VTVT sẽ được phê duyệt và nếu được phê duyệt ngay, thì khi nào chúng ta có thể phóng VTVT lên quỹ đạo?
| |
Ông Trần Công Duệ |
Theo chương trình mà ông cùng các đồng nghiệp đang xây dựng, VTVT của Việt Nam sẽ thuộc loại nào và có giá bao nhiêu?
Hiện nay trên thế giới có rất nhiều loại VTVT, tuy nhiên có khả năng Việt Nam sẽ được sử dụng loại cỡ nhỏ với trọng lượng khoảng từ 100 đến 500 kg, tùy theo yêu cầu cụ thể từng công việc mà Chính phủ phê duyệt. Đây là loại VTVT thông dụng đối với những nước đang phát triển như chúng ta.
VTVT này có thể thu được ảnh phục vụ nhiều ngành khác nhau như: dự báo thời tiết, giám sát tình trạng ô nhiễm môi trường, diễn biến của các thảm thực vật, phòng chống thiên tai, đo đạc bản đồ, theo dõi hệ thống giao thông, sông ngòi…
Với mức giá hiện nay, toàn bộ những hạng mục như: chế tạo, thuê phóng, vận hành… để đưa VTVT lên quỹ đạo sẽ dao động từ 20 đến 40 triệu USD.
Đâu là những lợi ích cụ thể và rõ ràng nhất mà VTVT sẽ mang lại?
Hiện nay, theo tính toán chưa đầy đủ của chúng tôi, kinh phí để mua ảnh viễn thám của các ngành kinh tế ở nước ta mỗi năm mất đến hàng triệu USD. Toàn bộ ảnh dự báo thời tiết, theo dõi bão lụt, cũng như để vẽ bản đồ hiện nay, chúng ta đang phải đi mua của nước ngoài với giá rất đắt, mà lại không chủ động được.
Vì vậy, nếu có VTVT, ngoài việc tiết kiệm được một lượng ngoại tệ lớn hàng năm, chúng ta sẽ chủ động trong việc chụp ảnh bất cứ vấn đề gì trên lãnh thổ Việt Nam trong bất cứ thời điểm nào mà không phụ thuộc nước ngoài. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc quy hoạch, dự báo một cách tổng thể và kịp thời nhất về mọi vấn đề, nhất là những biến đổi bất thường về thời tiết, thảm thực vật, hệ thống sông ngòi, đất đai, nguy cơ sóng thần, tình hình lụt bão.
Hiện nay đã có đối tác nước ngoài nào “chào hàng” hay tiếp cận chúng ta trong vấn đề triển khai chương trình VTVT này chưa?
Hiện nay đã có một đối tác nước ngoài muốn hợp tác với chúng ta trong việc chế tạo và phóng VTVT. Tuy nhiên, tất cả đều phải chờ sự phê duyệt của Chính phủ. Về việc thuê phóng VTVT lên quỹ đạo, chúng tôi đang nghiên cứu kỹ, với mục đích muốn tìm những nước đang có nhu cầu đi thuê phóng vệ tinh như chúng ta.
Bởi với VTVT cỡ nhỏ mà chúng ta thuê một tên lửa đẩy phóng riêng thì rất đắt, nếu có 2-3 nước thuê chung một lần phóng thì giá thành sẽ giảm đi khá nhiều, bởi một tên lửa đẩy hiện nay có thể phóng và đưa lên quỹ đạo khoảng 3 vệ tinh cỡ nhỏ như của chúng ta.
Xin cảm ơn ông.
Theo Trần Lưu
Sài Gòn giải phóng