Vì sao vắc xin Anh tới Việt Nam bằng máy bay Hàn Quốc?
(Dân trí) - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhận rất nhiều câu hỏi về vấn đề nhập khẩu, triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ở Việt Nam trong cuộc họp báo chiều 25/2.
Trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài về kế hoạch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại Việt Nam sau khi lô vắc xin đầu tiên đã về tới Tân Sơn Nhất (TPHCM) sáng qua, 24/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, hiện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang giao Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế sớm hoàn thiện, trình Nghị định hướng dẫn về việc tiêm vắc xin và các nhóm đối tượng ưu tiên.
Bà Hằng cũng đề cập, cuộc họp sáng 24/2 của Thường trực Chính phủ, thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 cũng có những thông tin bước đầu về các đối tương ưu tiên được tiêm phòng tại Việt Nam. Cụ thể, các nhóm đối tượng được đề xuất là: Nhân viên y tế; Nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...); Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; Lực lượng quân đội, công an, giáo viên; Người trên 65 tuổi; Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...; Người mắc các bệnh mãn tính; Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.
Bà Hằng giải thích, đây là hướng đề xuất ban đầu của Bộ Y tế, quyết định cuối cùng phải chờ Thủ tướng Chính phủ.
Thông tin thêm về kế hoạch triển khai việc tiêm phòng khi lô vắc xin nhập khẩu đầu tiên đã về tới Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói, song song với việc chuẩn bị đề xuất, kiến nghị về đối tượng được tiêm vắc xin, Bộ Y tế cũng đang lên nhiều kế hoạch, kịch bản huy động tối đa lực lượng để triển khai việc tiêm vắc xin nhanh và đảm bảo độ bao phủ.
"Chúng tôi cũng đang trao đổi với Bộ Y tế về việc có thể tạo điều kiện để báo chí nước ngoài tới đưa tin về việc tiêm vắc xin cho người dân Việt Nam. Việc này, tất nhiên, phải thỏa mãn các yêu cầu về đảm bảo vệ sinh dịch tễ, phòng dịch" - bà Hằng nói thêm.
Về nguồn vắc xin sử dụng tại Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế và các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực y tế đã và đang tích cực đàm phán với nhiều nhà sản xuất, các đối tác và các nguồn cung cấp vắc xin trên thế giới, trong đó có một số tên tuổi như Covax Facility, Astra Zenecca, Pfizer và Sputnik V để đáp ứng nhu cầu tiêm phòng của người dân.
Lô vắc xin đầu tiên tới Việt Nam hôm qua là Astra Zeneca, gồm 117.600 liều.
Ngoài ra, Việt Nam cũng tập trung nguồn lực cao để có thể nghiên cứu và sản xuất vắc xin trong nước. Đến nay, các hoạt động thử nghiệm vắc xin trong nước vẫn diễn ra đúng tiến độ.
"Bộ Y tế cũng cho biết, Việt Nam mong muốn được tiếp cận với nguồn vắc xin chất lượng, giá cả hợp lý và phù hợp với điều kiện bảo quản của Việt Nam" - bà Lê Thị Thu Hằng nói.
Một thắc mắc khác được nêu tại cuộc họp báo, lô vắc xin đầu tiên của Anh về tới Việt Nam do hãng hàng không Korean Airlines vận chuyển, điều đó có nghĩa hãng vắc xin Zeneca đã ủy quyền cho Hàn Quốc sản xuất rồi đưa về Việt Nam?
Trả lời câu hỏi này, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng dẫn thông tin từ Bộ Y tế cho biết, việc này là thỏa thuận giữa nhà cung cấp và sản xuất vắc xin, còn Việt Nam có trách nhiệm tiếp nhận vắc xin tại địa bàn của mình.
Với gợi ý về khả năng đặt mua thêm vắc xin Trung Quốc, bà Lê Thị Thu Hằng nhắc lại, ngoài những nguồn vắc xin như đã nêu ở trên, Việt Nam hiện cũng đang đàm phán với một số đối tác khác trên thế giới để có nguồn vắc xin phong phú nhằm đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng của người dân.