Vì sao TPHCM ngập từ năm này qua năm khác dù đã làm nhiều giải pháp?

Q.Huy

(Dân trí) - Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TPHCM nhận định, dù đã được cải thiện, nhưng vấn đề ngập nước tại địa bàn chưa thể giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân chính đến từ nguồn lực còn hạn chế.

Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM chiều 9/6, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật thành phố (trung tâm) cho biết, qua theo dõi, toàn địa bàn còn khoảng 15 tuyến đường có khả năng ngập do mưa và 9 tuyến đường ngập do triều cường. Số liệu này đã được cải thiện hơn năm 2020.

Ông Vũ Văn Điệp thừa nhận, đối với một đô thị lớn như TPHCM, việc không chỗ nào ngập là điều rất khó thành hiện thực. Để đạt mục tiêu đó, thành phố cần tới nguồn lực rất lớn để triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Vì sao TPHCM ngập từ năm này qua năm khác dù đã làm nhiều giải pháp? - 1

Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TPHCM (Ảnh: T.N).

"Muốn đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần đầu tư xây dựng các hệ thống tiêu thoát nước. Nhưng hiện nay, nguồn lực của thành phố còn hạn chế", Giám đốc trung tâm chia sẻ.

Ông Vũ Văn Điệp cũng cho hay, để khắc phục các điểm ngập, đặc biệt nơi có địa hình trũng thấp, thành phố cần có các giải pháp tức thời, ngắn hạn, dài hạn, công trình, phi công trình. Hiện tại, các giải pháp phi công trình đều đã được thực hiện nhưng chưa giải quyết được vấn đề, cần chờ thêm các dự án đầu tư mới.

"Hiện tại, hệ thống tiêu thoát nước của thành phố đã cũ, không còn đáp ứng đủ nhu cầu. Nhưng để thiết kế hệ thống mới, tần suất lớn hơn thì phải có sự đầu tư rất lớn. Ví dụ, thay vì hệ thống cống rộng 1m như hiện nay, thành phố cần chuyển đổi lên 2m, 3m mới có thể đáp ứng được lưu lượng của tần suất thiết kế ấy", ông Vũ Văn Điệp phân tích.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm cũng đánh giá, với những giải pháp đã thực hiện, tình hình ngập do mưa, do triều trên địa bàn đã có sự cải thiện đáng kể.

Cụ thể, trước đây, những khu vực có địa hình trũng thường gặp cảnh ngập do triều trên diện tích rộng. Với những giải pháp đắp đê bao, sử dụng các van ngăn, không cho triều cường xâm nhập, thành phố chỉ còn một số điểm ngập cục bộ trong đợt triều cường.

Vì sao TPHCM ngập từ năm này qua năm khác dù đã làm nhiều giải pháp? - 2

Tình trạng ngập do mưa, do triều tại TPHCM đã tồn tại nhiều năm và chưa thể giải quyết dứt điểm (Ảnh: Hoàng Giám).

"Tuy nhiên, khi có mưa cường độ lớn, tập trung trong thời gian ngắn, hệ thống thoát nước chưa đáp ứng được lưu lượng. Tình trạng này dẫn đến ngập cục bộ và ngập tức thời trong khoảng thời gian nhất định", Giám đốc Trung tâm nêu khó khăn.

Đối với công tác chuẩn bị cho mùa mưa năm nay, trung tâm đã thực hiện duy tu cửa xả, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp để tăng khả năng thoát nước. Ngoài ra, các van ngăn triều cũng được rà soát vận hành để đưa vào sử dụng trong tình huống cấp bách.

"Trung tâm cũng mong muốn người dân không xả rác xuống cống, kênh, rạch gây hạn chế lưu thông cho dòng nước. Hiện tại, thực trạng này diễn ra rất nhiều, thành phố đang phải sử dụng nguồn ngân sách lớn cho việc vớt rác tại cống, kênh, rạch do ý thức một bộ phận người dân còn kém", ông Vũ Văn Điệp khuyến cáo.

Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TPHCM thống kê, hiện tại, trên địa bàn còn 15 điểm ngập do mưa gồm:

Đường Lê Đức Thọ, Phan Anh, Bạch Đằng, Hồ Ngọc Lãm, Quốc lộ 13, Bàu Cát, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Thảo Điền, Quang Trung, Kha Vạn Cân, Nguyễn Văn Khối, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng.

24 điểm ngập tức thời với thời gian dưới 30 phút gồm: Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Phan Huy Ích, Phạm Văn Đồng, Lê Thị Hoa, Tỉnh lộ 43, Tô Ngọc Vân, Đỗ Xuân Hợp, Hồ Văn Tư, Nguyễn Duy Trinh, Võ Văn Ngân, Quốc lộ 1A, Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, Hiệp Bình, Ung Văn Khiêm, Điện Biên Phủ, Đinh Bộ Lĩnh, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Biểu, Mai Xuân Thưởng, Tân Hòa Đông.

Ngoài ra, 9 địa điểm được dự báo có đỉnh triều trên 1,71m gồm: Trần Xuân Soạn, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Quốc lộ 50, Phạm Hữu Lầu, Huỳnh Tấn Phát, Trịnh Quang Nghị, Nguyễn Thị Thập, Tôn Thất Thuyết.