Vì sao TPHCM cách ly F1, F0 tại nhà dù khẳng định hệ thống chưa quá tải?
(Dân trí) - Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM khẳng định hệ thống chưa quá tải, việc cách ly F1 tại nhà và giảm thời gian điều trị F0 tại bệnh viện là dựa trên cơ sở khoa học, nhằm giảm gánh nặng cho ngành về lâu dài.
Tại buổi họp báo chiều 21/7 để cung cấp thông tin về tình hình thống Covid-19 trên địa bàn, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM lý giải việc thành phố quyết định tổ chức cách ly F1 tại nhà và rút ngắn thời gian điều trị F0 tại bệnh viện trong thời điểm này.
Theo ông Hưng, quyết định trên không xuất phát từ lý do hệ thống y tế thành phố quá tải.
"Việc cách ly F1 hay rút ngắn thời gian điều trị F0 tại bệnh viện không chỉ là chuyện để giải quyết được chỗ cách ly, điều trị mà còn xuất phát từ cơ sở khoa học và số liệu thực tiễn", lãnh đạo Sở Y tế TPHCM nhấn mạnh.
Mục tiêu đảm bảo sức khỏe, tính mạng người dân
Ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết thêm, về những lợi ích trước mắt, việc cách ly F1 tại nhà và giảm thời gian điều trị F0 tại bệnh viện sẽ giúp giải phóng được chỗ cách ly, điều trị và giảm gánh nặng cho ngành y tế. Ngoài ra, theo thống kê, 70-80% người dương tính SARS-CoV-2 không cần đến sự chăm sóc y tế.
Những ca F0 được rút ngắn điều trị tại bệnh viện, điều trị tại nhà là các trường hợp không có triệu chứng, không có bệnh nền và gần như không có khả năng lây lan. Việc điều trị tại nhà cũng cần đáp ứng những quy định nghiêm ngặt của ngành y.
"Qua đánh giá, những F0 không có triệu chứng sẽ ít có nguy cơ chuyển nặng. Chúng ta cần có những phương án xử lý phù hợp hơn so với trước đây", lãnh đạo Sở Y tế TPHCM phân tích.
Đối với việc cách ly F1 tại nhà, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể. Qua thời gian thí điểm, phương án này nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân vì thuận lợi cho sinh hoạt, tạo tâm lý thoải mái cho người được giám sát y tế.
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ thêm, với kinh nghiệm của các nước, khi số ca dương tính SARS-CoV-2 tăng cao, áp lực sẽ đè nặng lên hệ thống y tế. Một điều tất yếu là khi số ca mắc Covid-19 tăng cao, tỷ lệ bệnh nhân nặng sẽ nhiều và số ca tử vong sẽ tăng tương ứng.
Trong bối cảnh hiện tại, thành phố cần những quyết sách mang tính chiến lược nhưng linh hoạt, không cứng nhắc trong phòng, chống dịch Covid-19. Các phương án dù có thay đổi thế nào cũng phải đặt mục tiêu đảo bảo sức khỏe, tính mạng người dân lên hàng đầu.
Hệ thống y tế chưa quá tải
Ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết, để chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống diễn biến dịch Covid-19, thành phố đã xây dựng và vận hành 35 bệnh viện điều trị Covid-19. Ngoài ra, hàng loạt bệnh viện dã chiến đã gấp rút đi vào hoạt động trong thời gian ngắn.
"Với 35 bệnh viện điều trị Covid-19 và 13 bệnh viện dã chiến, thành phố có tổng cộng 59.000 giường bệnh. Số bệnh nhân đang điều trị là khoảng 35.000 người. Như vậy, hệ thống y tế của thành phố đảm bảo được khả năng, ngay cả khi tình hình dịch Covid-19 phức tạp hơn", ông Nguyễn Hữu Hưng phân tích.
Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cũng khẳng định số lượng máy thở và máy can thiệp ECMO cơ bản đủ cho công tác điều trị F0 trên địa bàn. Bên cạnh đó, TPHCM cũng chủ động đầu tư mua mới, tiếp nhận nhiều nguồn tài trợ khác về máy thở, máy ECMO nói riêng và trang, thiết bị y tế nói chung.
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng nêu điểm sáng trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn. Thời gian qua, số ca mắc được xuất viện là 4.837 trường hợp. Ông Nguyễn Hữu Hưng dự báo, thời gian tới, số bệnh nhân xuất viện sẽ tăng lên ở mức khoảng 1.000 ca mỗi ngày.
Thành phố cũng đã ghi nhận 332 trường hợp mắc Covid-19 tử vong từ đầu năm đến nay, trong đó, hầu hết các bệnh nhân có bệnh nền, bệnh mãn tính.
Tại buổi họp, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, thời gian qua, 125 trường hợp F1 đã được áp dụng biện pháp cách ly tại nhà. Đây là những người đã được cơ quan chức năng thẩm định có đủ điều kiện để áp dụng phương án này và được giám sát bằng phần mềm.