1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Quảng Ngãi:

Vì sao tiểu thương chê chợ tiền tỷ?

(Dân trí) - Chợ Nghĩa Phương (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) được hoàn thành hơn 6 tháng qua nhưng đến nay vẫn trong tình trạng cửa đóng, then cài. Trong khi đó, hàng chục tiểu thương che lều buôn bán ngoài đường mà không chịu vào chợ.

Chợ Nghĩa Phương được triển khai xây dựng từ tháng 5/2016 trên diện tích gần 4.800 m2. Công trình gồm hạng mục nhà lồng với 32 lô sạp, 2 dãy nhà với 20 kiot và một số hạng mục khác. Công trình này có vốn đầu tư trên 4,9 tỷ đồng và được hoàn thành, nghiệm thu từ đầu tháng 7/2017. Dù đã hoàn thành hơn 6 tháng nhưng hiện tại khu nhà lồng vẫn vắng hoe, các kiot đóng cửa im ỉm.

Khu nhà lồng và 2 dãy kiot chợ Nghĩa Phương nằm cách xa nhau và vẫn trong tình trạng cửa đóng, then cài suốt 6 tháng qua
Khu nhà lồng và 2 dãy kiot chợ Nghĩa Phương nằm cách xa nhau và vẫn trong tình trạng cửa đóng, then cài suốt 6 tháng qua

Bà Lê Thị Nga - tiểu thương chợ Nghĩa Phương, cho biết: tiểu thương tại chợ nhận thấy việc xây dựng chợ quá bất hợp lý, cùng với đó là mức giá quá cao nên không đồng ý vào chợ mới để buôn bán.

Ghi nhận hiện trạng chợ Nghĩa Phương cho thấy, nằm sát quốc lộ 1A là dãy kiot đầu tiên, lùi vào trong khoảng 50 m là dãy kiot thứ 2 và nằm cách dãy kiot đầu tiên gần 100m là khu nhà lồng. Nhìn từ phía ngoài, dãy kiot đầu tiên hầu như che chắn toàn bộ những công trình bên trong của khu chợ.

"Tôi không biết họ thiết kế cái kiểu gì mà xây kiot một nơi xây nhà lồng một nẻo như thế. Xây chợ mà không có sự liên kết như thế này làm sao chúng tôi buôn bán", bà Nga nói.

Thêm vào đó, nhiều tiểu thương chợ Nghĩa Phương phản ánh với phóng viên Dân trí rằng tuy là chợ nông thôn nhưng mức giá khởi điểm để đấu giá các lô sạp và kiot tại khu chợ quá cao.

Để được buôn bán trong những kiot như thế này, tiểu thương phải đấu giá với mức giá khởi điểm thấp nhất là 200 triệu đồng/kiot
Để được buôn bán trong những kiot như thế này, tiểu thương phải đấu giá với mức giá khởi điểm thấp nhất là 200 triệu đồng/kiot

Để được vào bán ở chợ mới trong thời gian 20 năm, tiểu thương phải bỏ ra thấp nhất là 30 triệu đồng cho một lô trong nhà lồng và 200 triệu đồng cho một kiot. Trong khi đó, tiểu thương tại chợ Nghĩa Phương phần lớn là người buôn bán nhỏ lẻ, vì thế để có số tiền lớn nộp 1 lần là rất khó khăn.

"Đây là giá khởi điểm, còn muốn vào chợ phải đấu giá tăng thêm lên. Người buôn bán vài cọng rau, con cá như chúng tôi chỉ kiếm sống qua ngày lấy đâu ra số tiền lớn như thế để đấu giá", tiểu thương Lê Thị Nga nói.

Tiểu thương này cũng cho biết, nói là chợ xã nhưng chợ Nghĩa Phương chủ yếu chỉ phục vụ cho người dân 2 thôn, trong khi đó tại các thôn hiện nay các khu buôn bán tự phát mọc lên khắp nơi dẫn đến tình trạng kinh doanh tại chợ khá ế ẩm.

Tiểu thương phản ánh với phóng viên Dân trí những bất cập tại chợ Nghĩa Phương
Tiểu thương phản ánh với phóng viên Dân trí những bất cập tại chợ Nghĩa Phương

Vì xây dựng nhà lồng, các dãy kiot theo kiểu "tùy hứng" nên sát khu chợ là nhiều nhà dân có những diện tích đất khá lớn, dẫn đến việc người dân tự bỏ tiền ra xây kiot cho thuê.

Tiểu thương lo sợ những kiot này được xây ở vị trí khá thuận lợi vì gần đường giao thông, nếu giá cho thuê ở mức vừa phải sẽ có người vào thuê để buôn bán. Lúc đó, những người buôn bán ở khu nhà lồng và dãy kiot nằm sâu trong chợ phải chịu thiệt thòi.

"Đất quanh đây còn nhiều, nếu một người tự xây kiot cho thuê được thì người khác cũng sẽ làm. Lúc đó chúng tôi buôn bán tít trong kia làm sao cạnh tranh được. Vì vậy chúng tôi đề nghị huyện phải xem xét lại mức giá cho hợp lý và cho những tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ nộp khoản tiền đấu giá thành nhiều lần để có điều kiện buôn bán kiếm sống", tiểu thương Nguyễn Thị Kim Tuyến kiến nghị.

Một dãy kiot do người dân xây dựng nằm trong khu vực chợ Nghĩa Phương vừa hoàn thành
Một dãy kiot do người dân xây dựng nằm trong khu vực chợ Nghĩa Phương vừa hoàn thành

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Nguyễn Thị Phương Lan cho rằng không thể thực hiện phương án giảm giá và chia nhỏ nhiều lần nộp tiền như đề nghị của tiểu thương. Đây là khu chợ được xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa nên phải thu tiền 1 lần để hoàn trả cho chủ đầu tư. Đồng thời, mức giá lô sạp đã được tính toán phù hợp nhất để chủ đầu tư có thể thu hồi vốn.

"Mức giá 200 triệu đồng cho 1 kiot, 30 triệu đồng cho 1 lô nhà lồng trong thời gian 20 năm là không cao. Phải thu mức đó và thu 1 lần để hoàn trả vốn cho nhà đầu tư. Nếu thu nhiều lần là sai quy định và sau này nếu người dân không trả sẽ rất khó thu hồi vốn. Còn việc thiết kế khu nhà lồng chợ lùi sâu vào bên trong nhằm tránh tình trạng mua bán đông người gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông", bà Lan lý giải.

Theo bà Lan, chính vì những vướng mắc nêu trên nên suốt nhiều tháng qua vẫn chưa thể tổ chức đấu giá để đưa chợ Nghĩa Phương đi vào hoạt động.

"Huyện đã chỉ đạo họp tiểu thương nhằm giải thích cho mọi người hiểu, đồng thời tiếp tục bán hồ sơ đấu giá cho những người có nhu cầu. Chúng tôi cũng sẽ xem xét để có những phương án phù hợp nhất cho những tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ tại chợ Nghĩa Phương", bà Lan thông tin thêm.

Quốc Triều

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm