1. Dòng sự kiện:
  2. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí
  3. Thủ tướng thăm chính thức Hàn Quốc

Vì sao thu hồi tiền, tài sản trong án kinh tế, tham nhũng giảm sâu?

Thế Kha

(Dân trí) - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái lý giải kết quả thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng giảm sâu trong 9 tháng vừa qua.

Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, 9 tháng qua ngành thi hành án dân sự đã thực hiện xong gần 404.000 vụ việc với tổng số tiền hơn 73.000 tỷ đồng (giảm gần 4,9% so với cùng kỳ năm 2023).

Thi hành xong 2.117 việc với số tiền gần 11.400 tỷ đồng bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Bộ Tư pháp đánh giá kết quả thi hành án dân sự về tiền giảm so với cùng kỳ năm 2023, chưa đạt được như kỳ vọng.

Ông Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, nhìn nhận tỷ lệ thi hành xong về số việc và số tiền đều giảm với cùng kỳ năm trước; kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng giảm sâu.

Trong khi đó, số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo tăng; số kháng nghị, kiến nghị, báo cáo giám sát của viện kiểm sát đúng, cơ quan thi hành án phải chấp nhận một phần hoặc toàn bộ nhiều. Hơn 320 quyết định thi hành án phải thu hồi, hủy bỏ do thiếu chính xác.

Vì sao thu hồi tiền, tài sản trong án kinh tế, tham nhũng giảm sâu? - 1

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái (Ảnh: Thanh Nga).

Đại diện Tổng cục Thi hành án lý giải, số việc thụ lý tăng gần 47.300 việc (tăng 10%) và tăng trên 52.740 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Năm nay cũng tăng 1.470 các vụ việc thi hành án (tăng 60,6%) liên quan đến án kinh tế, tham nhũng.

Nguyên nhân chủ quan do ý thức trách nhiệm, năng lực, trình độ của một số công chức, chấp hành viên, kể cả lãnh đạo quản lý đơn vị. Công tác kiểm tra, tự kiểm tra thực hiện còn hình thức, chưa thực sự hiệu quả do xử lý trách nhiệm chưa nghiêm.

Ngoài ra, những nguyên nhân khách quan phát sinh trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thi hành án cũng tác động rất lớn đến kết quả của toàn hệ thống.

Đó là một số quy định pháp luật chưa hoàn thiện, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi hành án, dẫn đến khó khăn trong xử lý tài sản. Trong khi lượng án phải thi hành ở các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng có giá trị lớn, phức tạp, tài sản phải xử lý nhiều hoặc có tranh chấp, đang vướng mắc về pháp luật… dẫn đến kéo dài thời gian tổ chức thi hành án.

"Nguồn lực bảo đảm cho công tác thi hành án (kinh phí hoạt động, trụ sở, kho vật chứng của một số cơ quan ở địa phương, hạ tầng kỹ thuật để ứng dụng công nghệ thông tin) chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả công tác thi hành án dân sự", đại diện Tổng cục Thi hành án nêu thực tế.

Vì sao thu hồi tiền, tài sản trong án kinh tế, tham nhũng giảm sâu? - 2

Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đang nỗ lực để hoàn trả trên 8.600 tỷ đồng cho 6.630 bị hại trong vụ Tân Hoàng Minh, xong trước ngày 30/9. Trong ảnh, Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng tới một phiên tòa (Ảnh: Nguyễn Hải).

Tổng cục đã chỉ đạo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án địa phương thực hiện hàng loạt giải pháp trong chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp năm 2024

"Tập trung mọi nguồn lực, rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch để tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, đặc biệt là các vụ việc có giá trị lớn, các vụ việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo", đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự nêu rõ.

Cơ quan này cũng yêu cầu tập trung thi hành các khoản thu có liên quan đến tổ chức tín dụng có giá trị trên 20 tỷ đồng, có điều kiện thi hành và đã quá 3 năm chưa thi hành xong.

Kiểm soát chặt chẽ số vụ việc có điều kiện thi hành án, đã ra quyết định thi hành quá 1 năm chưa thi hành xong và kịp thời phát hiện các sai sót để chấn chỉnh, khắc phục…