1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vì sao “nói chuyện với nhau bằng nắm đấm” gia tăng?

(Dân trí) - "Tôi có cảm giác xã hội của chúng ta hiện nay đang như một bình nước sôi sùng sục, sẵn sàng nổ tung bất kì lúc nào. Nếu chúng ta không sớm giải quyết thì sẽ còn nhiều vấn đề đau đầu khác phát sinh".



Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Dân trí đã cuộc trao đổi với TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội.

PV: Thưa TS, sau kì nghỉ lễ dài ngày vừa qua, cơ quan y tế thống kê có tới hàng trăm người phải nhập viện do ẩu đả. Điều gì đang xảy ra vậy, thưa bà?

TS Khuất Thu Hồng: Thực sự tôi thấy rất lo ngại trước những con số thống kê sơ bộ về việc ẩu đả trong dịp nghỉ lễ Tết nguyên đán và đợt nghỉ dài 6 ngày vừa qua. Rõ ràng, những con số thống kê về việc có quá nhiều vụ ẩu đả đã phản ánh những vấn đề xã hội mà chúng ta không thể xem thường. Có vẻ như đang có một bộ phận không nhỏ người dân đang tự tìm cách giải quyết với nhau bằng “nắm đấm” trong nhiều việc. Hiện tượng này thực sự rất đáng lo ngại.

Tôi cho rằng, chuyện có nhiều vụ ẩu đả trong những dịp lễ, Tết cho thấy người Việt chúng ta hiện nay đang thiếu rất nhiều kỹ năng sống. Một trong đó là kỹ năng về đối thoại và xử lý tình huống. Thay vì phải đối thoại với nhau thì họ lại xử dụng vũ lực, nắm đấm và coi đó là phương cách hiệu quả. Đặc biệt là thanh thiếu niên hiện nay. 

Điều này cho thấy ngay từ nhà trường đang thiếu sự trang bị cho học sinh. Hệ quả dẫn đến là họ không biết cách giải quyết những vấn đề của cuộc sống, vào đời với lối hành xử rất thiếu kiềm chế. 

TS Khuất Thu Hồng
TS Khuất Thu Hồng

Bên cạnh đó, nhiều gia đình dường như đang bỏ qua cách dạy dỗ con cái mình kỹ năng sống và cách ứng xử ngoài cộng đồng. Chính vì vậy, hiện tượng nhiều người sẵn sàng đâm chém, đánh nhau đơn giản chỉ vì một câu nói “khó ưa”, một cử chỉ “ngứa mắt” rất dễ xảy ra. Dường như thói quen “nói chuyện” bằng bạo lực đang lan vào trường học, công sở, gia đình và toàn xã hội của chúng ta.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, rượu bia là nguyên nhân tình trạng ẩu đả này. Bà đánh giá gì về quan điểm này?

TS Khuất Thu Hồng: Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho rượu bia, đó chỉ là một tác nhân dẫn đến hành vi quá khích của một người. Mặc dù không thể phủ nhận được rằng những người sau khi uống say thường dễ mất kiểm soát hành vi nhưng theo tôi, vấn đề mấu chốt là ở kỹ năng sống. 

Chúng ta cũng phải nói thêm về việc trong xã hội hiện nay đang tồn tại tâm lý phẫn nộ, nổi loạn của không ít người. 

Ngày nay, người ta sống vội vã, quay cuồng với tiền bạc và những đòi hỏi, chịu nhiều áp lực, ganh ghét trong cuộc sống dẫn đến vô cảm, thiếu vị tha. Một số người dân chưa đặt trọn niềm tin vào việc bộ máy thực thi pháp luật dẫn đến việc sẵn sàng “tự xử”. "Tự xử" bằng mọi cách, thậm chí bằng nắm đấm. Họ cho rằng muốn thắng phải dùng sức mạnh để giành phần thắng về phía mình.

PV: Cá nhân bà đã từng chứng kiến những vụ va chạm, ẩu đả vì bia rượu hoặc ẩu đả vì những lý do kiểu “nhìn đểu” chưa?

TS Khuất Thu Hồng: Tôi từng chứng kiến nhiều vụ việc kiểu như vậy. Có trường hợp vì say rượu cũng có, có trường hợp người đi đường chỉ va chạm với nhau rất nhẹ, họ cũng ẩu đả ngay khi có thể đứng dậy được. Thay vì nhẹ nhàng xin lỗi nhau thì họ lại văng mọi lời lẽ thô tục nhất về phía đối phương. Thậm chí họ còn quẳng cả xe đấy để nhảy vào đánh nhau, bất chấp tất cả. 

Chứng kiến không ít nên ngay bản thân tôi thực sự thấy sợ hãi trước thực trạng bạo lực có chiều hướng gia tăng. Tôi cảm thấy có vẻ như người Việt mình đang ngày càng thiếu kiềm chế, thiếu nhẫn nại và sự bình tĩnh. Hơi một chút họ sẵn sàng có thể ẩu đả, vung dao kiếm để đâm, chém đối phương. Hiện tượng này thực sự đáng báo động trong đạo đức xã hội hiện nay của chúng ta.

Số vụ ẩu đả trong những ngày nghỉ lễ vừa qua tăng không kém đợt Tết âm lịch. Ảnh: H.Hải
Số vụ ẩu đả trong những ngày nghỉ lễ vừa qua tăng không kém đợt Tết âm lịch. Ảnh: H.Hải

PV: Như vậy, 

biện pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng trên là giáo dục kỹ năng sống cho lớp thanh thiếu niên?


TS Khuất Thu Hồng: Thực sự, tôi có cảm giác xã hội của chúng ta hiện nay đang như một bình nước sôi sùng sục, sẵn sàng nổ tung bất kì lúc nào. Nếu chúng ta không sớm giải quyết thì sẽ còn nhiều vấn đề đau đầu khác phát sinh.

Tôi cho rằng, ở thời điểm hiện tại, giải pháp tốt nhất chỉ bằng cách giáo dục, dù lâu nhưng chúng ta vẫn phải giáo dục cho thanh thiếu niên những kỹ năng sống để họ có thể đủ khả năng xử lý những tình huống trong cuộc sống một cách bình tĩnh hơn. Bên cạnh đó, cần phải có sự tham gia một cách công minh của các lực lượng thực thi pháp luật để người dân có thêm niềm tin vào lẽ phải. 

PV: Xin cám ơn Tiến sỹ !

Tại TPHCM, trong 4 ngày lễ (từ 28/4 đến 2/5) ghi nhận 303 ca nhập viện vì ẩu đả do có tí hơi men, bốc đồng của thanh niên.

Tại Hà Nội, trong các ngày nghỉ lễ, hệ thống bệnh viện trực thuộc Sở Y tế tiếp nhận gần 4.500 trường hợp nhập viện nội trú. Số khám vì cấp cứu, tai nạn là hơn 6.277, với 440 trường hợp do TNGT.

Tại Đà Nẵng: Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, trong 5 ngày lễ (từ ngày 29/4 - 3/5) đã tiếp nhận 580 trường hợp nhập viện trong đó vì tai nạn giao thông: 142 trường hợp đánh nhau.


Xuân Ngọc