Vì sao nên đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước?
(Dân trí) - Đa số đại biểu Quốc hội ủng hộ việc đổi tên luật và tên thẻ từ Căn cước công dân thành Căn cước, vì phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Việc đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước và đổi tên thẻ tương ứng là một trong những nội dung lớn được quan tâm khi dự thảo Luật Căn cước được đưa ra nghị trường.
Khác với kỳ họp thứ 5 khi nội dung này còn nhiều ý kiến khác nhau, sau khi dự thảo Luật Căn cước được tiếp thu, giải trình rõ, đa số đại biểu Quốc hội đã ủng hộ việc đổi tên Luật Căn cước và thẻ căn cước.
Hướng đến việc dùng thẻ căn cước thay hộ chiếu
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) ủng hộ việc đổi tên thành Luật Căn cước. Theo bà, tên gọi này đã thể hiện đầy đủ các chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự án luật.
Nữ đại biểu cũng nhận định tên gọi Luật Căn cước thể hiện đúng nội hàm có công tác quản lý căn cước nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, đáp ứng nhu cầu quản lý căn cước ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, quản lý đối với toàn bộ xã hội, với mọi người dân sinh sống tại Việt Nam, không để sót bất cứ bộ phận dân chúng cũng như bất cứ cá nhân nào.
"Nếu để tên là Luật Căn cước công dân sẽ không thể hiện được đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự thảo luật này. Đây là các chính sách vô cùng cần thiết, vừa mang ý nghĩa pháp lý chặt chẽ, vừa mang tính nhân văn sâu sắc", theo bà Nga.
Vị đại biểu cho rằng tên gọi Luật Căn cước công dân dẫn đến cách hiểu chỉ thể hiện quản lý căn cước đối với những người là công dân Việt Nam, làm thu hẹp yêu cầu trong quản lý căn cước và không đảm bảo yêu cầu quản lý căn cước đối với toàn bộ những người dân sinh sống tại Việt Nam.
Việc lược bỏ cụm từ "công dân", theo bà Nga, không tác động đến yếu tố chủ quyền quốc gia, vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân.
Vì những lý do đó, nữ đại biểu cũng ủng hộ đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước, vì như vậy thể hiện đúng bản chất của thẻ là loại giấy tờ có chứa thông tin về căn cước của người dân và xác định danh tính của mỗi cá nhân trong việc thực hiện các giao dịch.
Ngoài ra, theo bà Nga, việc đổi tên thành thẻ căn cước còn đảm bảo tương đồng với thông lệ quốc tế và đảm bảo tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới.
"Điều này cũng hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung luật khi Việt Nam có ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu đi lại giữa các nước trong khu vực", bà Nga nêu quan điểm.
Dẫn Điều 46 của dự thảo luật quy định chuyển tiếp là các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân sẽ được giữ nguyên giá trị sử dụng, bà Nga cho rằng việc đổi tên thẻ cũng không phát sinh thủ tục và chi phí hoặc làm tăng chi ngân sách Nhà nước.
Đồng tình, đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) nhìn nhận việc đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước là xu thế tất yếu của công tác quản lý dân cư hiện nay.
Theo ông, đối tượng áp dụng của luật không chỉ đối với công dân Việt Nam mà còn là người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, trong đó có người dân di cư tự do sống dọc biên giới Việt Nam với các nước láng giềng.
Tích hợp thông tin trên thẻ căn cước để giảm giấy tờ
Góp ý về quy định tích hợp thông tin vào căn cước tài khoản định danh điện tử, Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho biết dự thảo luật bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định được sử dụng thường xuyên của công dân.
Ông cho rằng thẻ căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp. Vì vậy, việc thông tin được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước sẽ giúp giảm các giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện các giao dịch dân sự.
Việc này cũng góp phần thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, như thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn.
Liên quan đến nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) cho biết dự luật lược bỏ vân tay, sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ thẻ căn cước, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú.
Bà nhìn nhận những thay đổi, cải tiến này tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân.
"Các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chip điện tử trên thẻ căn cước", theo nữ đại biểu.
Nói thêm về dự Luật Căn cước, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhấn mạnh Dự án luật này không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về căn cước với mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, mà còn ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước điện tử trong phát triển kinh tế - xã hội.
Dự thảo Luật Căn cước sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến đại biểu Quốc hội có 7 chương và 46 điều, dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp này.