Vì sao Hà Nội "yên tâm" cho trẻ lớp 1-6 đến trường dù chưa tiêm vaccine?
(Dân trí) - Liên quan đến việc cho học sinh lớp 1-6 đến trường học trực tiếp dù chưa được tiêm vaccine, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đã nêu 3 yếu tố để Hà Nội "yên tâm" đi đến quyết định này.
Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022, diễn ra chiều 6/4, PV Dân trí đã đề cập đến động thái Hà Nội quyết định cho học sinh lớp 1-6 ở 30 quận, huyện đến trường kể từ ngày hôm nay (6/4).
Liên quan đến việc này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng từng nhấn mạnh, phải tiêm được vaccine mới yên tâm đưa trẻ đến trường, nếu nhiễm SARS-CoV-2 thì cũng nhẹ và giảm thiểu rủi ro.
Vậy thì, Hà Nội có "yên tâm" khi để học sinh lớp 1-6 đến trường dù chưa tiêm vaccine trong bối cảnh hiện tại không? Đồng thời, thành phố đã lường trước các rủi ro, có những giải pháp cụ thể nào khi quyết định cho nhóm học sinh này trở lại trường, học trực tiếp?
Trả lời về vấn đề này, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, theo thống kê đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tiếp ở cấp tiểu học đạt trên 92%, cấp THCS đạt 93,2% và cấp THPT là hơn 96,2 %.
"Tỷ lệ này cho thấy, các bậc phụ huynh có sự đồng thuận cao khi để con em đi học trực tiếp. Sáng nay, khi tôi trực tiếp đi kiểm tra và trao đổi với các phụ huynh cùng các em học sinh thì thấy rằng, mọi người đều rất phấn khởi" - ông Tiến cho hay.
Lý giải về việc tại sao lại tham mưu cho học sinh lớp 1-6 đến trường ở thời điểm hiện tại, ông Tiến cho biết, Sở đã căn cứ trên 3 yếu tố.
Một là, Hà Nội đã qua đỉnh dịch. Khi dịch đang "cao trào", việc để nhóm học sinh này đến trường thì nguy cơ lây nhiễm rất cao vì học trực tiếp sẽ rơi vào trạng thái tập trung đông người ở cự ly hẹp.
Hai là, khi khảo sát thì sơ bộ đã có trên 75% phụ huynh đồng ý cho con trở lại trường.
Ba là, các em học sinh khối tiểu học đã nghỉ kéo dài suốt từ đầu năm học đến thời điểm hiện tại. Trong khi đó, chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm học này. Vì vậy, việc cho học sinh trở lại trường là "thời gian vàng" để nhà trường củng cố, ôn tập các kiến thức để học sinh tiểu học bước vào kỳ thi cuối kỳ.
Về vấn đề tiêm vaccine, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, thành phố đã ban hành kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, đồng thời các địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch. Khi nào Bộ Y tế phân bổ vaccine, thành phố sẽ lập tức tổ chức tiêm cho trẻ.
Để đảm bảo an toàn cho việc học sinh đến trường, Sở Y tế đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn liên ngành.
"Hiện các trường đều đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tại trường học theo nội dung hướng dẫn. Đồng thời, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các cấp chính quyền thành lập các tổ hỗ trợ covid tại trường học để đảm bảo thực hiện an toàn phòng chống dịch cho các em học sinh" - ông Cương khẳng định.
Trước đó, ngày 28/3, tại cuộc họp cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, phải tiêm được vaccine mới yên tâm đưa trẻ đến trường, nếu nhiễm SARS-CoV-2 thì cũng nhẹ và giảm thiểu rủi ro.
Tuy nhiên, đến ngày 4/4, UBND TP Hà Nội đã có văn bản đồng ý cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc 30 quận, huyện thị xã đi học trực tiếp tại trường từ 6/4, sau 11 tháng liên tiếp phải học trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, sau khi học sinh lớp 1-6 các quận huyện đi học trực tiếp, đơn vị này sẽ cho lấy ý kiến phụ huynh, làm căn cứ để có phương án đề xuất UBND TP cho trẻ mầm non đi học trở lại. Được biết, hiện Hà Nội có tổng cộng hơn 500.000 học sinh mầm non, trong đó, khoảng 28% trường ngoài công lập.