Học sinh lớp 1-6 đến trường: Hà Nội có đối mặt nguy cơ bùng dịch trở lại?

Minh Nhật

(Dân trí) - Từ 6/4, học sinh từ lớp một đến lớp 6 thuộc 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội được đi học trực tiếp tại trường.

Trẻ đi học không làm đảo ngược diễn biến dịch

Những ngày vừa qua, tình hình dịch tại Hà Nội hạ nhiệt đáng kể. So với mức đỉnh 32.650 F0/ngày (ngày 8/3), bệnh nhân Covid-19 ghi nhận trong ngày tại Hà Nội đã giảm xuống mức dưới 6.000 ca.

Nhận định về tình dịch Covid-19 của TP Hà Nội hiện nay, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho hay, hiện nay thành phố đã qua đỉnh dịch được hơn một tháng, số ca nhiễm ở mức trung bình và đây là điều kiện thích hợp để "trở lại bình thường mới".

Học sinh lớp 1-6 đến trường: Hà Nội có đối mặt nguy cơ bùng dịch trở lại? - 1

Từ 6/4, học sinh từ lớp một đến lớp 6 thuộc 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội được đi học trực tiếp tại trường.

Việc học sinh được đến trường đã đáp ứng nguyện vọng chung của cả các em học sinh và phụ huynh, sau một thời gian rất dài trẻ phải học qua "màn hình".

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến bày tỏ lo ngại việc mở cửa trường học sẽ làm gia tăng sự lây nhiễm của Covid-19 trong cộng đồng, dẫn đến một đợt bùng phát dịch mới.

Nhận định về vấn đề này, theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM, lộ trình mở cửa trường học trở lại của Hà Nội khó có thể gây ra một đợt bùng phát dịch mới.

PGS Dũng phân tích: "Theo quan điểm của tôi, các làn sóng dịch có tính chất quy luật. Các nhà khoa học quốc tế đã xây dựng mô hình diễn biến dịch và chúng ta cũng đã sử dụng các mô hình này để dự báo diễn biến dịch trong nước. Việc dịch "hạ nhiệt" ở Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung ở thời điểm hiện tại là điều tất yếu".

PGS Dũng dẫn chứng diễn biến dịch cũng giống như dao động của con lắc. Cụ thể, trong quá trình con lắc dao động nó sẽ thu hẹp dần biên độ.

PGS Dũng nói: "Tình hình dịch cũng như vậy, sau khi đạt đỉnh và đi xuống, nó vẫn sẽ tiếp tục có sự biến động nhưng xu hướng chung là vẫn sẽ đi xuống nữa. Việc ngày càng có nhiều học sinh được đến trường sẽ không thể đảo ngược được quá trình này".

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, khi dịch đã "hạ nhiệt", việc cho trẻ em đi học là điều rất quan trọng và hiện không có nguy cơ lớn. Đương nhiên, khi mở cửa lại trường học, các cơ sở giáo dục cần thực hành nghiêm các nguyên tắc chống dịch cơ bản.

"Trên thực tế, tại nước ta, có những lúc dịch tay - chân - miệng khiến hơn 100 trẻ tử vong, con số này còn cao hơn số trẻ tử vong do Covid-19 ở thời điểm hiện tại, nhưng trường học vẫn mở cửa. Đương nhiên, chúng ta có những lý do để thận trong khi mở cửa lại trường học đối với dịch Covid-19. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đã không còn nguy cơ lớn đối với việc trẻ đến trường", PGS Dũng chỉ rõ.

Mở cửa đồng bộ nhưng cũng dự phòng đồng bộ

Học sinh lớp 1-6 đến trường: Hà Nội có đối mặt nguy cơ bùng dịch trở lại? - 2

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, vừa qua trẻ em ở nhà mắc Covid-19 rất nhiều vì thành phố nới lỏng các hoạt động, số ca nhiễm trong cộng đồng cũng tăng cao khi người lớn mắc bệnh lây cho trẻ. Nếu trẻ đến trường và thực hiện các biện pháp phòng dịch tốt, có tổ chức thì nguy cơ lây nhiễm chưa chắc cao hơn so với khi trẻ ở nhà.

"Hiện nay, chúng ta đã chuyển từ chiến lược "Zero Covid" sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19. Chuyển từ cấm đoán (cấm các hoạt động, cấm đi lại…) sang kiểm soát rủi ro. Cụ thể đó là khi cho trẻ đến trường, nếu trẻ bị F0 thì sẽ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đối với trẻ đó, lớp học đó.

Mở cửa đồng bộ nhưng cũng dự phòng đồng bộ. Chúng ta nới lỏng chứ không buông lỏng. Hiện nay, đối với trẻ chưa tiêm vaccine hoặc không tiêm vaccine Covid-19, nhiều quốc gia cũng đã hối thúc cho trẻ đi học", PGS.TS Trần Đắc Phu nêu quan điểm.