Vì sao Hà Nội vẫn "kiên quyết" chưa mở lại karaoke, massage…?
(Dân trí) - Dù không công bố cấp độ dịch đối với 579 xã, phường; "mở toang" các hoạt động, dịch vụ và khẳng định "đã kiểm soát được dịch" nhưng Hà Nội vẫn chưa cho karaoke, spa, massage… hoạt động trở lại.
Ba tuần vừa qua, Hà Nội không thông báo cấp độ dịch đối với 579 xã, phường, thị trấn. Trước đó, cấp độ dịch bệnh là "kim chỉ nam" để chính quyền sở tại căn cứ điều chỉnh các biện pháp hành chính; mở lại hoặc hạn chế các hoạt động, dịch vụ.
Phải "nói khéo" khi dân muốn mở cửa trở lại?
Khi thành phố không còn "tô màu" xanh-vàng-cam-đỏ, một lãnh đạo UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, quận đã căn cứ vào số lượng ca F0 mới ghi nhận trong ngày; không đánh giá các tiêu chí khác nữa.
"Bây giờ, việc thực hiện điều chỉnh các biện pháp hành chính đơn giản hơn. Các hoạt động, dịch vụ hầu hết đã mở lại, hoạt động bình thường đi kèm các biện pháp phòng, chống dịch" - vị lãnh đạo này cho hay.
Một cán bộ quận nội thành cho biết, khi thành phố không công bố cấp độ dịch thì địa phương cũng không ban hành văn bản điều chỉnh các biện pháp hành chính. "Cách làm mới này thuận lợi, linh hoạt hơn và dù mở hết các hoạt động, dịch vụ (trừ dịch vụ karaoke, massage, spa…) thì số ca mắc mới vẫn có chiều hướng giảm sâu trong thời gian vừa qua" - vị cán bộ này nói.
Trong bối cảnh thành phố không công bố cấp độ dịch đối với đơn vị hành chính cấp xã phường, một vị cán bộ ở địa phương khác thổ lộ, quận này đã phải "nói khéo" khi nhận được ý kiến từ người dân về việc sẽ mở lại quán karaoke, spa… trên địa bàn. Bởi lẽ, Phòng Tư pháp quận sẽ gặp lúng túng nếu chủ cơ sở tự ý mở cửa khi thành phố chưa cho phép vì không có căn cứ để xử phạt.
"Vì vậy, cơ quan chức năng chỉ biết "khuyên", thành phố chưa có chỉ đạo cụ thể về lĩnh vực này nên mong nhân dân bình tĩnh, tiếp tục chờ thêm một thời gian nữa. Khi có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể thì người dân sẽ yên tâm kinh doanh hơn" - vị cán bộ này thông tin thêm.
Trước tâm tư của cán bộ địa phương về việc khó xử phạt chủ cơ sở các ngành dịch vụ tự ý mở cửa khi thành phố chưa cho phép, PV Dân trí đã liên hệ qua điện thoại với ông Ngô Anh Tuấn - Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội.
Nhận được câu hỏi, ông Tuấn hướng dẫn PV hãy liên hệ bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để có câu trả lời.
Trở lại vấn đề Hà Nội dừng công bố cấp độ dịch bệnh và mọi hoạt động, dịch vụ vẫn có thể hoạt động bình thường, bác sĩ Trần Văn Phúc (công tác tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội) nhìn nhận đối với mỗi biến chủng, mỗi bối cảnh sẽ cần biện pháp phòng, chống dịch tương xứng.
Trước đó, khi chủng Delta xuất hiện trên địa bàn thành phố, việc "dán nhãn" xanh-vàng-cam-đỏ đã giúp Hà Nội "an toàn" với số ca mắc thấp, số lượng bệnh nhân nặng và bệnh nhân tử vong "chấp nhận được".
Tuy nhiên, khi Hà Nội bị tấn công bởi biến thể Omicron và biến thể Omicron "tàng hình" (có sức lây nhiễm gấp nhiều lần so với biến thể Delta) thì việc phân vùng cấp độ dịch đã không còn phù hợp.
"Do vậy, thành phố đã chuyển trạng thái chống dịch từ việc theo yếu tố nguy cơ sang hình thức đề cao biện pháp phòng vệ cá nhân. Ở quy mô toàn thành phố thì khống chế số ca nặng, số ca tử vong. Do không phải phân vùng theo màu nữa nên các hoạt động trở lại gần như bình thường" - bác sĩ Phúc lý giải.
Hà Nội đang quá rụt rè?
Mới đây, khi được PV liên hệ hỏi về việc thành phố có ý định khi nào sẽ cho mở lại các dịch vụ karaoke, spa, massage… một cán bộ có trách nhiệm đang công tác tại UBND TP Hà Nội cho hay, vấn đề này "đang được họp bàn"; khi nào có kết luận cụ thể sẽ thông tin lại với PV.
Nhìn nhận về vấn đề này, bác sĩ Trần Văn Phúc cho rằng, nếu thành phố mở cửa các ngành dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao trong bối cảnh vẫn ghi nhận gần 10.000 F0 mỗi ngày thì số ca mắc sẽ lập tức tăng lên.
"Chúng ta hãy hình dung, khi quá đông người bị nhiễm thì cả một xã hội sẽ "ốm yếu", trở thành một "xã hội mắc bệnh". Về lâu về dài, điều này không tốt cho cộng đồng. Thành phố đang lo lắng về mặt sức khỏe của người dân còn trong điều kiện hiện tại, Hà Nội hoàn toàn không gặp áp lực về mặt y tế" - ông Phúc nhận định.
Tiếp tục phân tích, bác sĩ Phúc cho hay, biến thể Omicron "tàng hình" có khả năng lẩn tránh các miễn dịch của các biến thể về trước đó (biến thể Alpha, Delta, Omicron BA.1). Một người đã tiêm chủng mũi 3, mũi 4 vẫn có thể nhiễm biến thể "tàng hình". Nếu tái nhiễm nhiều lần trong thời gian ngắn thì sức khỏe của mọi người sẽ ảnh hưởng.
Vì vậy, muốn thoát ra khỏi dịch bệnh thì phải giảm hệ số lây nhiễm thật thấp. Để làm được điều này, chúng ta phải chấp nhận đánh đổi một vài loại hình dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao để khi đảm bảo được "an toàn về hệ số lây nhiễm" thì mới mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, nếu thành phố cứ cấm mãi cũng ảnh hưởng đến kinh tế, đến hoạt động kinh doanh của nhiều người dân. Đồng thời, giới trẻ, người có nhu cầu không có chỗ vui chơi, giải trí. Hậu quả là chúng ta bị căng thẳng về mặt xã hội và tâm lý, từ đó sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống.
"Chính vì thế, tôi cũng có kiến nghị khi số F0 giảm còn vài nghìn ca/ngày thì lãnh đạo thành phố, lãnh đạo ngành y tế sớm xem xét mở lại các dịch vụ karaoke, spa, massage… Không nên dừng quá dài. Hãy nhìn TPHCM, địa phương này đã mở lâu rồi và đang rất an toàn. Lần lượt, các tỉnh khác cũng mở rồi thì Hà Nội cũng không nên quá rụt rè. Chúng ta phải mạnh dạn và có các quyết định mang tính đột phá hơn nữa thì mới không ảnh hưởng đến dòng chảy của xã hội" - bác sĩ Phúc nêu quan điểm.