Các tỉnh, thành "ứng xử" thế nào với ngành nhạy cảm trong đại dịch?
(Dân trí) - Ở giai đoạn "thích ứng an toàn, linh hoạt", nhiều tỉnh, thành phố đã cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, gồm karaoke, massage, spa… hoạt động trở lại nhưng có nơi vẫn "án binh bất động".
Trong điều kiện bình thường mới, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đề nghị các địa phương dựa trên kết quả đánh giá cấp độ dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế để xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường…
Kể từ khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có đề nghị nêu trên, nhiều tỉnh, thành phố đã lần lượt cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ này hoạt động trở lại.
Tại Vĩnh Phúc, với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân nhưng vẫn hướng đến việc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, ngày 9/3, tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Trong đó, đối với cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như: Vũ trường, karaoke, massage, spa… ở vùng có dịch cấp độ 1, 2 (tức vùng xanh, vùng vàng), tỉnh Vĩnh Phúc cho phép chủ cơ sở mở cửa nhưng hoạt động hạn chế. Đồng thời, các cơ sở phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; 100% người sử dụng dịch vụ và nhân viên phục vụ được tiêm đủ liều vaccine theo quy định.
Tại Hưng Yên, nhằm tổ chức hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội trong tình hình mới, địa phương này đã đồng ý chủ trương mở lại hàng loạt dịch vụ gồm: Karaoke, massage, quán bar, vũ trường, game, rạp chiếu phim, gym, yoga, spa… từ ngày 15/3.
Mới đây, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành văn bản cho phép nới lỏng một số hoạt động thích ứng linh hoạt với dịch, trong đó cho mở lại: Vũ trường, quán bar, karaoke, massage... từ ngày 18/3.
Đáng chú ý, Lào Cai vẫn cho phép các dịch vụ vũ trường, quán bar, karaoke, massage, internet, trò chơi điện tử… ở các xã, phường, thị trấn có dịch ở cấp độ 3 (tức vùng cam) hoạt động nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Đối với các xã, phường, thị trấn có dịch ở cấp độ 4, tỉnh Lào Cai giao cho UBND cấp huyện căn cứ tình hình dịch cụ thể của địa phương hướng dẫn thực hiện các hoạt động kinh doanh nói trên nhưng phải bảo đảm an toàn, hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.
Các tỉnh, thành "không nên cấm đoán nữa"?
Tỏ ra thận trọng hơn, TP Hải Phòng vừa cho phép thử nghiệm hoạt động trở lại đối với dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường trong 2 tháng (15/3-15/5). Trong quá trình thử nghiệm, các bên liên quan đảm bảo tuân thủ quy định phòng chống dịch.
Tuy nhiên, sau hơn một tháng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để cho các địa phương tự quyết vấn đề này, nhiều tỉnh, thành vẫn chưa cho phép ngành kinh doanh dịch vụ karaoke hoạt động trở lại.
Tại Hà Nội, dù lãnh đạo UBND TP khẳng định đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng thành phố chỉ cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, ăn uống được phép hoạt động bình thường; riêng các dịch vụ karaoke, vũ trường, spa… thì chưa.
Tại TP Thái Nguyên, kể từ ngày 17/3, địa phương này cho phép tất cả các hoạt động kinh doanh dịch vụ khác hoạt động bình thường trừ karaoke, quán bar, vũ trường.
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Việt Nam - cho rằng các tỉnh, thành "không nên cấm đoán nữa".
Bởi lẽ, toàn quốc đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; chuyển từ trạng thái "cấm đoán" (cấm đi lại, cấm các hoạt động…) sang kiểm soát rủi ro; nới lỏng đồng bộ đi kèm dự phòng đồng bộ.
"Trước kia, hệ thống y tế cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, quá tải nhưng bây giờ y tế cơ sở đã đủ năng lực ứng phó với dịch bệnh. Do đó, các địa phương nên mạnh dạn cho phép các dịch vụ kinh doanh có nguy cơ lây nhiễm cao hoạt động trở lại, đồng thời tăng cường biện pháp phòng, chống dịch đi kèm. Điều này nhằm tạo đáp ứng nhu cầu cho người dân, cũng là để chủ các cơ sở làm ăn, phát triển kinh tế" - ông Phu nói.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng nên mở cửa các hoạt động, dịch vụ còn lại kèm các tiêu chí kiểm soát, phòng chống dịch để tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế.
"Dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng ở khắp cả nước và vẫn đang được kiểm soát. Vì vậy, không mở thì dịch bệnh cũng vậy mà mở ra và các hoạt động được kiểm soát sẽ tốt hơn. Khi mở cửa, chủ các cơ sở sẽ không phải lén lút tổ chức đón khách vì áp lực kinh tế, gây phức tạp tình hình trật tự trên địa bàn mà ngược lại sẽ tạo điều kiện để họ làm ăn trong tình hình mới" - ông Nga nhận định.