Vì sao dịch "tấn công" nhiều chợ đầu mối ở Hà Nội?
(Dân trí) - Những ngày gần đây, hàng loạt khu chợ đầu mối ở Hà Nội bị phong tỏa, tạm dừng hoạt động do xuất hiện các trường hợp nghi mắc Covid-19. Hà Nội cần làm gì để "bảo vệ" các khu chợ đầu mối, siêu thị?
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, chợ, siêu thị… là những khu vực nguy cơ cao bị dịch "tấn công". Bởi vì khi dịch đã xuất hiện trong cộng đồng, chợ, siêu thị vẫn có số người ra vào lớn.
Ở Hà Nội, việc lây nhiễm chéo trong các khu chợ chưa nhiều, chủ yếu là do các trường hợp dương tính từ nơi khác đi đến nơi này. Theo ông Trần Đắc Phu, Hà Nội là một trong số các địa phương đã thực hiện tương đối tốt các biện pháp phòng, chống dịch ở các khu chợ.
Cụ thể, các khu chợ ở nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã tiến hành căng dây tại khu vực bán hàng; không đưa trực tiếp mà để hàng hóa ở mặt bàn; lắp vách ngăn, kính chắn phòng dịch…
Tuy nhiên, Hà Nội cần nghiên cứu để có các biện pháp phòng, chống dịch tốt hơn nữa. Bởi lẽ, các khu chợ là nơi giao lưu nhiều; là nơi người dân tứ xứ tập trung để giao thương. Đông người đến chợ như vậy, đồng nghĩa với việc khó thực hiện, tuân thủ triệt để các biện pháp phòng dịch.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, các khu chợ phải thực hiện đặc biệt tốt quy tắc "5K"; sắp xếp lại các gian hàng, lối ra vào riêng rẽ để hạn chế tối đa việc người dân gặp nhau, tiếp xúc… Đồng thời, cần nghiên cứu áp dụng khai báo y tế quét mã QR code mới ở thẻ BHYT hoặc căn cước công tại các khu chợ, siêu thị... để tiện cho việc truy vết khi cần thiết.
"Nên hạn chế việc đi chợ của người dân trong thời gian đang thực hiện giãn cách xã hội. Tôi thấy có nơi phát phiếu đi chợ 2 ngày/lần thì nên rút xuống chỉ còn 2 lần/tuần. Trừ trường hợp không có tủ lạnh để bảo quản thức ăn thì đi nhiều hơn" - ông Phu khuyến cáo.
Trước đó, ngày 1/8, chính quyền sở tại đã phong tỏa chợ đầu mối Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), chợ Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) do liên quan các ca nghi mắc Covid-19.
Tại chợ Minh Khai, ngành y tế xác định một ca nghi nhiễm là hộ kinh doanh tại đây. Riêng ca nghi nhiễm ở chợ Phùng Khoang là nữ, 39 tuổi, trú tại xã Tân Minh (huyện Thường Tín). Hàng ngày, chị này lấy rau tại chợ Vồi (huyện Thường Tín) lên bán tại chợ Phùng Khoang.
Cùng trong ngày 1/8, Sở Y tế Hà Nội đã thông tin về một trường hợp mắc Covid-19 thuộc chùm sàng lọc ho, sốt trong cộng đồng. Người này tên là N.T.C., nữ, 40 tuổi, ở xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì); là người bán hàng tôm, cá thường xuyên lấy hàng tại chợ Tam Hiệp và Long Biên.
Ngay sau đó, UBND quận Ba Đình đã tiến hành khử khuẩn khu vực kinh doanh hải sản và toàn bộ chợ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả những người có liên quan tại chợ Long Biên, gồm 260 mẫu. Đồng thời, khu vực kinh doanh hải sản chợ Long Biên cũng đã được phong tỏa.
Ngày 28/7 vừa qua, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng phát sinh một ca mắc Covid-19, là người bán trứng tại chợ đầu mối phía Nam (hay gọi là chợ Đền Lừ). Toàn khu chợ đầu mối đã được phong tỏa, dừng hoạt động để khử khuẩn và truy vết.
Đề nghị tất cả người dân có biểu hiện ho, sốt liên hệ y tế
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng đề nghị tất cả người dân trên địa bàn khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường/xã nơi cư trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc Covid-19.