1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vì sao đề xuất thí điểm hỗ trợ đổi xe xăng sang xe điện tại Cần Giờ?

Q.Huy

(Dân trí) - Cơ quan đưa ra đề xuất cho rằng, việc thí điểm hỗ trợ đổi xe xăng sang xe điện tại huyện Cần Giờ sẽ giúp địa phương đạt mục tiêu xã hội, phát triển bền vững khi nơi đây còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo.

Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM vừa đề xuất UBND thành phố trình HĐND xây dựng Nghị quyết về chính sách hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi và lộ trình đối với cá nhân, hộ gia đình thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch.

Huyện đảo Cần Giờ là nơi được đề xuất thí điểm các chính sách khuyến khích cá nhân, hộ gia đình, hộ nghèo, cận nghèo thực hiện chuyển đổi xe xăng sang xe điện. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện mới, sử dụng năng lượng sạch cũng được tính toán đến.

Lý giải về đề xuất lựa chọn huyện Cần Giờ để làm nơi thí điểm, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, việc triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông, kiểm soát khí thải phương tiện cần áp dụng cho từng nhóm đối tượng, từng khu vực cụ thể trước khi áp dụng trên toàn địa bàn thành phố.

Vì sao đề xuất thí điểm hỗ trợ đổi xe xăng sang xe điện tại Cần Giờ? - 1

Các chính sách hỗ trợ người dân đổi xe điện được đề xuất thí điểm tại huyện Cần Giờ (Ảnh: P.N.).

Huyện Cần Giờ tập trung lượng khách du lịch lớn, tuy nhiên là huyện có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất tại TPHCM. Do vậy, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi và khuyến khích chuyển đổi phương tiện sẽ đạt mục tiêu xã hội và phát triển bền vững cho địa phương.

Đặc biệt, việc lựa chọn thí điểm tại huyện Cần Giờ nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ thành thành phố biển đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường theo Nghị quyết của Thành ủy TPHCM. 

Ngoài ra, huyện Cần Giờ đang xây dựng chương trình hành động vì một Cần Giờ xanh. Trong đó có nhóm nội dung phát triển giao thông xanh như xe buýt điện, xe máy điện theo mô hình chia sẻ, khuyến khích khách du lịch sử dụng các phương tiện giao thông xanh, nhằm kiểm soát khí thải, góp phần đưa Cần Giờ hoàn thành mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.

Vì sao đề xuất thí điểm hỗ trợ đổi xe xăng sang xe điện tại Cần Giờ? - 2

Tuyến xe buýt điện đầu tiên của TPHCM được vận hành từ năm 2022 (Ảnh: Hải Long).

Theo các chính sách được Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đề xuất, giai đoạn 2024-2025, hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí và hộ cận nghèo được hỗ trợ 80% kinh phí chuyển đổi xe xăng sang xe điện. Chủ sở hữu xe xăng cần chuyển đổi phải nằm trong danh sách hộ nghèo hoặc cận nghèo của huyện Cần Giờ. 

Thành phố cũng khuyến khích, hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình chuyển xe xăng sang xe điện và mua mới xe máy điện. Cụ thể, thành phố sẽ hỗ trợ 100% lệ phí đăng ký, cấp biển số và duy trì lãi suất vay ưu đãi còn 4%/năm trong trường hợp mua xe máy điện trả góp.

Giai đoạn 2026-2027, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đề xuất khuyến khích, hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện, phấn đấu mỗi gia đình chuyển đổi 1 xe máy điện. Thành phố tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ lệ phí đăng ký, cấp biển số, lãi suất vay như giai đoạn trước đó.

Giai đoạn 2028-2030, các chính sách hỗ trợ chuyển xe xăng sang xe điện tại huyện Cần Giờ tiếp tục được duy trì. Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đề xuất mục tiêu đến thời điểm này, toàn bộ cá nhân, hộ gia đình ở huyện Cần Giờ sẽ chuyển đổi sử dụng xe máy điện.

Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã đề cập tới việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông.

Cụ thể, HĐND TPHCM là cơ quan ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi đối với các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch và lộ trình thực hiện; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường; đầu tư phát triển phương tiện giao thông công cộng kết hợp lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để hạn chế ùn tắc giao thông.

HĐND TPHCM cũng quyết định sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện các nội dung quy định tại điểm a khoản này và ban hành tiêu chí, trình tự, thủ tục thực hiện quy định tại khoản này.

UBND TPHCM căn cứ các chính sách quy định nêu trên để tổ chức thực hiện việc hạn chế hoạt động phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng nhiên liệu hóa thạch tham gia giao thông.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm