1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vì sao chưa có nghị định xử phạt vi phạm lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo?

Phùng Minh

(Dân trí) - Bộ Nội vụ lý giải việc đến nay chưa ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Còn cử tri Lai Châu phản ánh bất cập khi thiếu chế tài.

Ngày 3/1, Bộ Nội vụ cho biết đã có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu để trả lời kiến nghị của cử tri về ban hành văn bản quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Cử tri Lai Châu phản ánh, một số đối tượng lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và nhận thức hạn chế của một bộ phận người dân đã lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia một số "đạo lạ" hoạt động trái với chuẩn mực đạo đức xã hội và truyền thống văn hóa, chia rẽ đoàn kết dân tộc.

Việc đó không chỉ vi phạm Luật tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn tiềm ẩn gây mất an ninh, trật tự xã hội.

"Các lực lượng chức năng tại cơ sở chưa có chế tài xử lý những hành vi này, chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động", cử tri nêu bất cập.

Vì sao chưa có nghị định xử phạt vi phạm lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo? - 1

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: VGP).

Theo Bộ Nội vụ, sau khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2016, Bộ đã tham mưu Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Đây là cơ sở để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia hoạt động của "đạo lạ", tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định về an ninh, chính trị như cử tri quan tâm. 

Đến nay, Bộ Nội vụ đã triển khai đầy đủ các bước xây dựng và hoàn thiện dự thảo; Bộ Tư pháp đã thẩm định hồ sơ dự thảo nghị định.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ Nội vụ nhận được nhiều ý kiến tham gia, phản hồi về tác động xã hội và hiệu quả của việc ban hành nghị định. Một trong các chủ thể bị xử phạt vi phạm là cá nhân tôn giáo (có chức sắc, chức việc, nhà tu hành) sẽ tạo ra dư luận không tốt trong xã hội, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ xây dựng và ban hành nghị định khác thay thế Nghị định 162/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Các quy định về quyền, nghĩa vụ tại văn bản này sẽ làm cơ sở để xác định hành vi được quy định tại nghị định xử phạt vi phạm hành chính.

"Để có thời gian tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động xã hội và rà soát, bổ sung, điều chỉnh các hành vi vi phạm, bảo đảm tính khả thi, Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh thời gian ban hành Nghị định xử phạt sau khi tổng kết thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo", Bộ Nội vụ trả lời cử tri Lai Châu.