Vì sao chưa cần sửa quy định về bảo vệ nhân chứng, người tố cáo?
(Dân trí) - Thừa nhận thực tế còn hạn chế, vướng mắc nhưng nhiều bộ, ngành đề nghị giữ nguyên hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bảo vệ người làm chứng, bị hại, người tố cáo tham nhũng.
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, từ ngày 1/1/2018 đến 30/6/2022, tòa án có thẩm quyền đã giải quyết trên 361.800 vụ án hình sự và 631.800 bị cáo theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm. Trong các vụ án có sự tham gia tố tụng của bị hại, tập trung chủ yếu ở các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người và các vụ án xâm phạm sở hữu.
"Từ năm 2016 đến nay, TAND các cấp chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu mua chuộc, có hành vi khống chế, đe dọa, trả thù người làm chứng, bị hại để họ rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án trong giai đoạn xét xử, không ra làm chứng, không cung cấp chứng cứ", Bộ Tư pháp cho hay.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có những vụ án Cố ý gây thương tích, Trộm cắp tài sản sau khi người bị hại và bị cáo, gia đình bị cáo đã đạt được thỏa thuận bồi thường, cố ý không đi giám định thương tích, không đến tham gia tố tụng tại tòa án. Có trường hợp người làm chứng mặc dù biết rõ các tình tiết của vụ án nhưng do ngại va chạm, cả nể đã từ chối cung cấp thông tin hoặc sau khi đã cung cấp lời khai ở các giai đoạn tố tụng trước, từ chối tham gia tố tụng tại phiên tòa.
Trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính và dân sự, TAND các cấp chưa ban hành quyết định dẫn giải người làm chứng và chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu mua chuộc, có hành vi khống chế, đe dọa, trả thù người làm chứng,...
Đối với Thanh tra Chính phủ, cơ quan này đã nhận được một số thông tin, đơn thư phản ánh việc trù dập, trả thù và đề nghị được bảo vệ người tố cáo tham nhũng như: Vụ việc phản ánh vi phạm, trù dập người tố cáo tại tỉnh Hòa Bình; vụ việc tố cáo và đề nghị được bảo vệ người tố cáo tham nhũng về vi phạm pháp luật tại Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội; vụ việc phản ánh vi phạm và trù dập người tố cáo tại Đông Anh, Hà Nội; vụ việc đề nghị bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tiêu cực bị trù dập, trả thù trong việc tố cáo hành vi tham nhũng tại xã Vũ Chính, TP. Thái Bình tỉnh Thái Bình; vụ việc đề nghị bảo vệ người tố cáo tại thôn An Xá, xã Toàn Thắng, Kim Động, Hưng Yên.
Trong khi đó, từ ngày 15/2/2021 đến ngày 1/6/2022 (thời điểm Thông tư 145/2021/TT-BCA có hiệu lực), công an các đơn vị, địa phương chưa tiếp nhận, thụ lý vụ việc nào về việc áp dụng biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm người tố cáo.
Bộ Tư pháp phân tích, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã dành một chương (Chương XXXIV) để quy định về căn cứ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền… áp dụng các biện pháp bảo vệ người làm chứng và người thân thích của họ.
Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính đã bổ sung quy định tòa án có quyền quyết định buộc người có hành vi lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc mua chuộc người làm chứng trong các vụ án dân sự, vụ án hành chính phải chấm dứt hành vi đó. Trường hợp hành vi đó có dấu hiệu tội phạm thì tòa án yêu cầu VKSND xem xét về trách nhiệm hình sự.
Trong lĩnh vực giải quyết tố cáo, phòng, chống tham nhũng đã có các quy định của pháp luật cụ thể và phân công trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, người có thẩm quyền trong bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng.
Bộ Tư pháp thừa nhận một số quy định của pháp luật về bảo vệ người làm chứng trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, bảo vệ người tố cáo còn hạn chế, vướng mắc, cụ thể.
Dù vậy, tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài Chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy cần giữ nguyên hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đảm bảo tính ổn định.
"Chưa cần thiết phải ban hành mới Luật điều chỉnh về bảo vệ nhân chứng", Bộ Tư pháp cho hay.